Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê gìn giữ, lưu truyền văn hóa nghệ thuật Khmer

Là Nghệ nhân Ưu tú - Nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Kiên Giang, nông dân Danh Bê đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Không chỉ yêu thích, hết lòng với văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, ông còn góp phần bảo tồn, lưu truyền nền văn hóa nghệ thuật này.

Nghệ nhân ưu tú Danh Bê biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Nghệ nhân ưu tú Danh Bê biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê (68 tuổi) sinh ra và lớn lên trong gia đình đam mê, yêu thích văn hóa nghệ thuật dân tộc Khmer ở ấp Hòa Thiện (xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang). Ông chia sẻ, sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ông tham gia Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang. Năm 1978, ông về quê nhà thành lập Đội văn nghệ ấp, sáng tác kịch bản, truyền dạy các điệu múa dân tộc cho con cháu và tham gia tranh tài tại hội thi cấp huyện, tỉnh, khu vực đạt nhiều thành tích cao. Từ đời ông nội, cha và bây giờ đến ông đang tiếp tục phát huy, gìn giữ văn hóa nghệ thuật dân tộc, truyền dạy lại cho thế hệ sau.

Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ, trình diễn điêu luyện các điệu múa, bài hát dân tộc Khmer. Cụ thể như: Đờn cò, đờn gáo, đờn tranh, ống sáo, song lan, giàn trống, đầu khỉ, đầu chằn, đầu ngựa và kỹ năng sáng tác kịch bản dạy múa dân gian truyền thống gồm: Điệu Áp-sa-ra có đầu tiên nữ; múa Rô-bâm có đầu chằn, mặt nạ công chúa, mặt nạ hoàng tử; múa Sa-dâm có đầu chằn, đầu khỉ, đầu ngựa, ông lão, bà lão; múa gáo có sọ dừa. Nghệ nhân đã truyền dạy hát, múa Khmer cho khoảng 200 người là các con, cháu trong gia đình, họ hàng và những người yêu thích nghệ thuật này. Trong đó, nhiều người là diễn viên nòng cốt của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang. Vào những dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ hội Oóc om bóc, Sen Đôn-ta của đồng bào Khmer, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh, các hội thi, hội diễn…, Đội văn nghệ dù kê của Nghệ nhân Danh Bê tích cực tập luyện phục vụ bà con, giao lưu văn hóa, văn nghệ tại các chùa, các địa phương, quyết tâm đạt thành tích tốt tại các hội thi, hội diễn.

Nghệ nhân ưu tú Danh Bê giữ gìn, bảo quản đạo cụ biểu diễn. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN
Nghệ nhân ưu tú Danh Bê giữ gìn, bảo quản đạo cụ biểu diễn. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Em Danh Thị Quỳnh Như, cháu ngoại Nghệ nhân Danh Bê cho biết, từ nhỏ, em đã thích múa hát. Vì vậy, mỗi khi ông ngoại dạy múa, hát cho các cô, chú, cậu, dì, em đều tham gia cùng. Lớn lên, em thường xuyên tập luyện theo chỉ dạy của ông ngoại để chuẩn bị đi diễn phục vụ bà con vào các dịp Tết cổ truyền, lễ hội.

Để duy trì tập luyện thường xuyên cho đội văn nghệ và truyền dạy cho con cháu, gia đình Nghệ nhân Danh Bê đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm trang thiết bị âm thanh, trang phục dân tộc, phông màn, đạo cụ biểu diễn, thức ăn, nước uống cho diễn viên.

Ông Hồ Văn Phước, công chức văn hóa phụ trách dân tộc, tôn giáo xã Định Hòa cho biết, Nghệ nhân ưu tú Danh Bê luôn miệt mài, cần cù, chịu khó, đam mê, tiếp nối cha ông phát huy truyền thống nghệ thuật của dòng họ, gia đình để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Nghệ nhân đóng góp nhiều cho địa phương trong việc phát triển phong trào văn nghệ quần chúng của xã, huyện, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer và xây dựng nông thôn mới xã Định Hòa. Trong quá trình truyền dạy cho con cháu, Nghệ nhân đã đào tạo được nhiều diễn viên xuất sắc cho Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh.

Nghệ nhân ưu tú Danh Bê dạy múa gáo cho thế hệ trẻ. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Nghệ nhân ưu tú Danh Bê dạy múa gáo cho thế hệ trẻ. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Năm 2011, Đội văn nghệ dù kê của Nghệ nhân Danh Bê được xã Định Hòa chọn tham dự Liên hoan Văn nghệ quần chúng toàn quốc với sự tham gia của 11 xã điểm mô hình nông thôn mới tổ chức tại tỉnh Quảng Nam. Đội đã đoạt một huy chương Vàng, một huy chương Bạc, xếp thứ 4/11 xã tham dự. Khó khăn hiện nay của đội là không có kinh phí hoạt động. Nghệ nhân mong muốn được hỗ trợ kinh phí để duy trì tập luyện lâu dài nhằm phục vụ tốt hơn, nhiều hơn nữa cho bà con; đồng thời đưa những sản phẩm văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer vươn lên tầm cao mới và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Ông Danh Bê ấp ủ tái dựng lại những tuồng xưa, tích cũ, vở kịch dù kê cổ đang dần mai một để truyền dạy cho con cháu lưu giữ.

Lãnh đạo UBND huyện Gò Quao nhấn mạnh, huyện triển khai đồng bộ những giải pháp thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về công tác văn hóa, văn nghệ; trong đó có văn hóa nghệ thuật dân tộc Khmer. Địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện cho đơn vị chức năng và các xã phát triển văn hóa nghệ thuật như: chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực, khích lệ động viên, khen thưởng kịp thời cho cá nhân, tập thể có sáng tạo trong phong trào văn hóa văn nghệ, trong đó có Đội văn nghệ dù kê xã Định Hòa.

Huyện tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đậm đà bản sắc của dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm