Thêm nhiều chương trình mang đậm bản sắc văn hóa Khmer

Thêm nhiều chương trình mang đậm bản sắc văn hóa Khmer

Những năm qua, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang không ngừng phấn đấu, xây dựng những chương tình đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ, giao lưu đối ngoại, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương và con người địa phương với bạn bè trong và ngoài nước.

Tại trụ sở Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang (thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành) những ngày này luôn rộn ràng tiếng nhạc, kèn trống. Nghệ sĩ ưu tú Kim Ly Mét, Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh cho biết, hiện tất cả nghệ sỹ trong đoàn ngoài việc tập trung dàn dựng các chương trình phục vụ đối ngoại còn phải ráo riết cho các công đoạn cuối để chuẩn bị tốt việc tham gia biểu diễn ca múa nhạc, thời trang, lễ hội tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng và Lễ hội Ók - Om - Bók của tỉnh diễn ra tại huyện Gò Quao. Lần tham gia này, bên cạnh các tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, Đoàn còn dàn dựng nhiều tiết mục mới mang hơi thở cuộc sống như: ca ngợi tình yêu đôi lứa, không khí hăng say lao động của nhân dân khi vào mùa.

Thêm nhiều chương trình mang đậm bản sắc văn hóa Khmer ảnh 1Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang biểu diễn phục vụ người dân nhân dịp lễ khánh thành cầu Rạch Chát 1, phường Vĩnh Hiệp (TP. Rạch Giá). Ảnh: baokiengiang.vn

Nghệ sỹ ưu tú Kim Ly Mét cho biết, tiền thân của Đoàn Nghệ thuật Khmer là Đoàn Văn công Khmer khu Tây Nam bộ; được thành lập từ những năm kháng chiến nhằm tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer tham gia cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đoàn chuyển về ở tạm chùa Láng Cát, thành phố Rạch Giá; sau đó, chính thức đặt tên mới là Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang.

Theo đó, Đoàn sẽ xây dựng chương trình, kịch nghệ thuật và tổ chức biểu diễn nghệ thuật, giữ gìn sắc thái văn hóa Khmer Nam bộ ở Kiên Giang; hoạt động biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, giao lưu nghệ thuật với các tỉnh bạn và quốc tế khi có yêu cầu; xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ và tổ chức liên hoan văn nghệ Khmer ở các địa phương trong tỉnh. Mỗi năm, Đoàn có từ 40 - 50 xuất diễn phục vụ trên 40 ngàn lượt người xem từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc Khmer. Trong đó, có rất nhiều những xuất diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc và tỉnh. Cùng với việc tăng cường hỗ trợ các huyện, thị xã tổ chức liên hoan văn nghệ và Ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc Khmer hàng năm, Đoàn nghệ thuật Khmer còn xây dựng nhiều chương trình phục vụ các lễ hội; giao lưu nghệ thuật với các đoàn khách Campuchia sang thăm và làm việc tại Kiên Giang. Đoàn Nghệ thuật Khmer đã xây dựng nhiều chương trình tổng hợp nhằm tự làm mới mình, phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân như xây dựng chương trình phát trên sóng Đài phát thanh truyền hình tỉnh và Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ…

Thêm nhiều chương trình mang đậm bản sắc văn hóa Khmer ảnh 2Đoàn nghệ thuật Khmer Kiên Giang biểu diễn phục vụ người dân. Ảnh: baokiengiang.vn

Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang cho biết thêm, hàng năm, Đoàn tập trung phục vụ nhiều nhất vào 4 lễ, tết là: Chôl Thnăm Thmây, Sene - Đonta, Ók - Om - Bók của đồng bào dân tộc Khmer và Tết Nguyên đán. Các tiết mục được Đoàn dàn dựng công phu hơn với nhiều nội dung phù hợp với nếp sống văn minh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.

Nghệ sỹ Hoàng Tây cho biết, mỗi lần được đi diễn, với các nghệ sỹ Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang là niềm hân hoan, hạnh phúc và mỗi chuyến đi là một kỷ niệm đẹp. Theo nghệ sỹ Thạch Sên, mỗi chuyến đi là một bài học kinh nghiệm cho bản thân và luôn có những kỷ niệm hay.

Hiện nay, ngoài lớp diễn viên trưởng thành (như: Hoàng Tây, Thạch Sên, Thu Hai, Danh Điền, Kim Đồng…), Đoàn còn có lớp kế thừa tài năng ở lứa tuổi 17 - 19 tuổi (như: Thị Hai Ngàn, Nhật Anh, Thạch Thanh, Huỳnh Như…). Dàn diễn viên trẻ này không chỉ đem lời ca, điệu múa phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc mà qua đó còn lưu truyền, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer ở Kiên Giang.

Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm