Ngành văn hóa, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3): Cần chiến lược đầu tư cụ thể

Ngành văn hóa, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3): Cần chiến lược đầu tư cụ thể
Bên cạnh nội lực hùng hậu là những văn nghệ sĩ tâm huyết với nghề, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh cần có sự tập trung đầu tư phù hợp, đúng mức, tạo điều kiện phát triển công nghiệp các ngành văn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa vốn rất đặc trưng này.

Bài 3 (tiếp theo và hết): Cần chiến lược đầu tư cụ thể

Chưa như mong đợi
 
Năm 2014 và 2016 được xem là quan trọng đối với những người làm công tác văn hóa nghệ thuật khi các Nghị quyết, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng và định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được ban hành.
 
Cụ thể, năm 2014, Nghị quyết 33 của Thủ tướng chính phủ về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” và năm 2016 là Quyết định 1755 về “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó xác định quan điểm các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. 
Tiết mục hợp xướng “Dạ cổ hoài lang” dược trình diễn tại một sân khấu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN
Tiết mục hợp xướng “Dạ cổ hoài lang” dược trình diễn tại một sân khấu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, từng địa phương nghiên cứu kế hoạch, tìm giải pháp thực hiện gắn với tình hình thực tế của từng địa phương. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng, triển khai các chương trình hành động; phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật, các Hội thành viên; đồng thời, lắng nghe những đề xuất góp ý của tổ chức nghề nghiệp, văn nghệ sĩ tâm huyết, các chuyên gia để có những giải pháp toàn diện và khả thi.
 
Song, các chuyên gia, giới văn nghệ sĩ cho rằng, từ nhu cầu và thực tiễn cuộc sống, văn hóa, nghệ thuật cần tiếp tục tăng cường nguồn lực hơn nữa để tận dụng, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa nghệ thuật dân tộc không bị “lai căng”, “pha trộn” với những nền văn hóa khác trên thế giới.
 
Nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự đồng thuận cao về chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật và xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, giải pháp lớn của Thủ tướng Chính phủ đặt ra là động viên sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa; đồng thời, tiến hành nâng cao vai trò trách nhiệm của Nhà nước.
 
Tuy vậy, theo bà Tú Lệ, vai trò và trách nhiệm của nhà nước cần được nâng cao hơn nữa, không chỉ dừng lại ở mức độ quản lý thuần túy hay tiếp tục câu chuyện xã hội hóa ngành tới đâu thì Nhà nước quản lý tới đó.
 
Dẫn chứng là lĩnh vực văn học, nghệ thuật, trong đó hoạt động thực hiện chủ trương xã hội hóa được đánh giá mạnh nhất cả nước. Nhưng theo bà Tú Lệ, việc thực hiện này trong thời gian qua đã không đi kèm một chiến lược phát triển đồng bộ với tiến trình công nghiệp hóa. Do đó, bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí một số loại hình như sân khấu kịch nói, âm nhạc, nghệ thuật cải lương, hát bội, múa, điện ảnh “lâm” vào bế tắc. Bà Tú Lệ bày tỏ, xã hội hóa đã từng và vẫn sẽ là sức bật của ngành văn hóa nhưng nó cũng trở thành rào cản phát triển nếu như bản thân nó bị biến dạng.
 
Cùng quan điểm, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khi đi vào kinh tế thị trường, sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài khá mạnh, trong khi sự chuẩn bị, ứng phó trên mặt trận này còn chưa đủ sức và tỏ ra lúng túng.
 
Theo bà Phạm Phương Thảo, văn học nghệ thuật hiện vẫn chưa có nhiều tác phẩm xuất sắc, có tính tư tưởng, thẩm mỹ có sức thu hút sự quan tâm của công chúng. Không ít tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có yếu tố bạo lực, phản cảm, độc hại. Lực lượng phê bình văn học nghệ thuật chưa theo kịp với thực tiễn sáng tác. Trên sóng truyền hình các chương trình nghệ thuật thực tế gần như bão hòa, ngày càng ít phim hay được công chúng đón đợi. Sân khấu vắng người xem và còn quá ít những tác phẩm mới về âm nhạc đi vào lòng người, trong khi sự quay trở lại của dòng nhạc bolero chỉ đáp ứng rất ít nhu cầu của người dân thành phố.
 
Phát triển công nghiệp văn hóa chuyên nghiệp 
Do độ bao phủ rộng lớn của ngành văn hóa nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực, vì vậy, nhiều năm qua, các nhà chuyên môn văn hóa, giới văn nghệ sĩ thành phố cho rằng Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa tập trung, xác định phương hướng chiến lược hành động cho tổng thể ngành cũng như cụ thể cho từng lĩnh vực.
 
Trong khi đó, nhiều lần Ủy ban nhân dân thành phố đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao chủ trì soạn thảo đề cương Quy hoạch phát triển ngành văn hóa thành phố đến năm 2030 nhằm giải quyết “gốc rễ”của vấn đề và phương hướng phát triển công nghiệp ngành văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao thành phố, đề cương này sẽ sớm trình Ủy ban phê duyệt vào cuối năm 2017.
 
Hệ thống thiết chế văn hóa cấp thành phố và quận, huyện đã vượt chỉ tiêu theo Quyết dịnh số 2164/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 – 2020, định hướng đến năm 2030. Nhưng trước quá nhiều vấn đề đang tồn tại, các văn nghệ sĩ, giới chuyên môn cho rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm.
 
Góp ý cho đề cương Quy hoạch phát triển ngành, bà Lê Tú Lệ bày tỏ, cần thiết trong đề cương quy hoạch phát triển ngành văn hóa thành phố đến năm 2030 phải đưa vào việc xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên tiềm lực, tiềm năng, thế mạnh của thành phố. “Nếu không có quan điểm về chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa thì việc chủ động tiếp thu công nghệ tiên tiến của một số loại hình dịch vụ mới sẽ chỉ là thụ động phát triển”, bà Lê Tú Lệ cho biết.
 
Về góc độc chuyên gia, giảng viên, nhà văn hóa Huỳnh Quốc Thắng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, cần xây dựng đời sống nghệ thuật phát triển theo phong cách công nghiệp gắn với ngành công nghiệp nghệ thuật của thành phố. Đồng thời, sớm khắc phục tình trạng thiếu những nhà hát quy mô, tầm cỡ cho các loại hình nghệ thuật truyền thống lẫn hiện đại; ưu tiên đầu tư về trang thiết bị vật chất, kỹ thuật cho các loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp đặc thù như điện ảnh, ca múa nhạc, sân khấu, xiếc... đạt chất lượng cao phục vụ du khách quốc tế. Đây là một trong những tồn tại kéo dài đã làm hạn chế lớn đối với đời sống nghệ thuật của Thành phố hiện nay.
 
Ông Huỳnh Quốc Thắng chia sẻ, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm thế giới qua “Hàn lưu” (Làn sóng văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc) xuất hiện từ năm 1997 và đến nay “làn sóng” này ảnh hưởng rộng rãi trên thế giới. Quan trọng nhất là các hoạt động này được nuôi dưỡng theo một kế hoạch dài hạn nhằm tạo ra hoạt động liên tục và hiện đại hóa trên cơ sở liên kết các khả năng khai thác các vốn kho tàng văn hóa truyền thống và phát triển theo phong cách mới mẻ, nhằm không ngừng sáng tạo.
 
Theo ông Thắng, kinh nghiệm “Hàn lưu” có thể mang tầm vóc quốc gia nhưng với vị trí, đặc điểm của Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay vẫn tìm thấy những kinh nghiệm vận dụng bổ ích và thiết thực.
 
Theo “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” bao gồm 5 ngành, ngoài du lịch và quảng cáo, 3 nhóm ngành là điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh có chỉ tiêu phát triển cụ thể.

Do vậy, đông đảo giới văn nghệ sĩ, chuyên gia thành phố rất mong đợi và kỳ vọng Quy hoạch phát triển văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tới đây nếu xác định rõ mục tiêu, trọng tâm, chương trình hành động cụ thể, không “dàn trải” thì sẽ tạo nên những bước đột phá, “vực dậy” ngành văn hóa, nghệ thuật thành phố, xứng tầm với vị thế là đầu tàu của cả nước./. 
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm