Tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp Hà Nội năm 2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen cho 6 tập thể, 11 cá nhân; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tặng Cờ thi đua cho 6 tập thể; tặng bằng khen cho 27 tập thể và 44 cá nhân... Ảnh: TTXVN
|
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, năm 2017, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương làm tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân gieo trồng đúng lịch thời vụ. Đồng thời, tập trung chăm sóc để cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh, tăng sức chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi. Nhờ vậy, tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2017 đã đạt 2%; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt hơn 35,1 tỷ đồng, tăng 2,17% so với năm 2016. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đến nay đạt 25%, trong đó đối với lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt 17,9%; chăn nuôi 33,5%; thủy sản 13%.
Ngày mùa trên cánh đồng xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội). |
Kiên cố hóa kênh mương ở Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội). |
Năm 2017, ngành nông nghiệp Hà Nội chuyển dịch theo hướng tích cực, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao. Hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu của nhân dân. Nhờ đó thu nhập và đời sống của nhân dân ngày một được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 ước đạt 38 triệu đồng/người/năm (năm 2016 là 36 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh là 100%. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 2,5% (năm 2016 là 3,65%).
Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp Hà Nội theo hướng sản xuất hàng hóa đã và đang được triển khai tích cực tại huyện Đan Phượng (Hà Nội). |
Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nội đồng tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng (Hà Nội). |
Về xây dựng nông thôn mới, năm 2017 Hà Nội có thêm 2 huyện được công nhận huyện nông thôn mới, nâng tổng số lên 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Tính đến thời điểm hiện tại, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 255/386 và đang trình thành phố công nhận tăng thêm 39 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 294 xã, chiếm 76,2%, các xã còn lại đều đạt từ 12-18 tiêu chí. Con số này đã vượt kế hoạch năm 2017. Ngoài ra ngành nông nghiệp cũng tổ chức hướng dẫn, quản lý, thanh kiểm tra các quy trình sản xuất sản phẩm nông lâm thủy sản có nhiều tiến bộ, góp phần quản lý an toàn thực phẩm có hiệu quả.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội được đảm bảo. |
Trong công tác xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Nguyễn Văn Sửu yêu cầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần phải tập trung chỉ đạo thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển nông nghiệp để phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Triển khai tốt nhiệm vụ tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện: Nguyễn Hoàng