Hình ảnh phi hành gia người Mỹ Eugene Cernan đi bộ trên Mặt Trăng ngày 13/12/1972. Ảnh: AFP |
Theo hãng tin Sputnik, Giám đốc NASA Jim Bridenstine đã giải thích lý do khiến Mỹ trì hoãn chương trình phóng tàu thăm dò có người lái lên Mặt Trăng từ hơn 40 năm trước cũng như những điều kiện để khởi động lại giấc mơ chinh phục vũ trụ này.
Trả lời kênh truyền hình CBS News ngày 15/7, ông Bridenstine cho biết: “Có những rủi ro về mặt kỹ thuật và sau đó là rủi ro về mặt chính trị. Chúng ta sẽ ở trên Mặt Trăng ngay bây giờ nếu không có rủi ro chính trị. Chúng tôi cũng sẽ ở trên Sao Hỏa, vào lúc này nếu không vì lý do tương tự”.
“Tôi đang nói về vốn”, người đứng đầu NASA nói cụ thể, đồng thời cho biết chương trình Mặt Trăng nhiều thập kỷ trước đây đã không thể thực hiện được vì chi phí và thời gian kéo dài của nó. Ông nói: “Trong quá khứ, những năm 1990 và đầu 2000 chúng tôi đã nỗ lực quay trở Mặt Trăng và lên Sao Hỏa, nhưng trong mỗi trường hợp, chương trình kéo dài quá lâu và chi phí quá lớn”.
Ông Bridenstine lưu ý Tổng thống Trump đang nỗ lực thúc đẩy chương trình chinh phục vũ trụ này “nhằm đẩy lui chính trị”. Khi được hỏi về chương trình Artemis của NASA – tập trung chế tạo tên lửa đẩy hạng nặng mới, tàu vũ trụ và tàu đổ bộ Mặt Trăng cho một sứ mệnh thăm dò mới trong 5 năm tới, ông cho biết mục tiêu của Tổng thống Trump đặt ra còn lớn hơn thế.
“Vì vậy, chúng tôi muốn quay lại Mặt Trăng một cách bền vững, hay nói cách khác là ở trên đó. Nhưng chúng tôi cũng phải xác định rõ mục tiêu của tổng thống là gì? Tầm nhìn của của ông là gì? Ông Trump muốn cắm một lá quốc kỳ Mỹ trên Sao Hỏa”, Giám đốc NASA giải thích.
Tháng 3 vừa qua, Phó Tổng thống Mike Pence đã yêu cầu NASA đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị các yếu tố cần thiết để đưa con người quay trở lại bề mặt vệ tinh tự nhiên của Trái Đất, đồng thời đề xuất rằng cơ quan này sẽ phải tổ chức lại nếu không thể xử lý nhiệm vụ "đưa các phi hành gia Mỹ lên Mặt Trăng trong 5 năm”.
Cuối tuần trước, NASA đã tuyên bố cải tổ bộ máy lãnh đạo của cơ quan này, bổ nhiệm cựu phi hành gia Kenneth Bowersox làm quyền Phó Giám đốc mới, phụ trách chương trình khám phá và điều hành con người trong bối cảnh dự án này bị lên án vì tiến độ chậm.
Đầu năm nay, ông Jim Bridenstine cảnh báo rằng chương trình phát triển tên lửa đẩy siêu nặng SLS trị giá 12 tỷ USD do Boeing đứng ra nghiên cứu từ năm 2011 tiếp tục giậm chân tại chỗ khi chi phí đã đội lên cao. Tàu vũ trụ Orion được thiết kế để chở 4 phi hành gia, do Mỹ và châu Âu hợp tác chế tạo, cũng gặp vấn đề tương tự. Văn phòng giải trình trách nhiệm Chính phủ Mỹ mới đây đã báo cáo về tình trạng chậm trễ kéo dài và chi phí tăng cao liên quan đến dự án tàu Orion, vốn được thử nghiệm từ năm 2014. Theo CBS, tàu đổ bộ có người lái mới trong sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng Moon Shot 2.0 thậm chí còn chưa được thiết kế.
Tháng 12/1972, các phi hành gia trên tàu Apollo 17 của NASA đã rời khỏi Mặt Trăng và quay trở về Trái Đất. Đó chính là sứ mệnh cuối cùng chở theo con người bay ra ngoài quỹ đạo tầng thấp của Trái Đất đến một hành tinh khác trong hệ Mặt Trời.
Theo: baotintuc.vn