Bài 2 (Bài cuối): Nỗ lực tạo tiếng vang
Nâng chất và tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP hiện đang được Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đề xuất, để từ cơ sở này, các địa phương xây dựng nông thôn mới phổ biến đến cơ sở sản xuất, áp dụng cho sản phẩm của địa phương, cũng như tăng khả năng thích ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, dù trải qua 4 năm xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, có địa phương làm rất tốt dòng sản phẩm này nhưng có địa phương vẫn chưa phát huy được ưu thế. Mặt khác, Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2018-2020 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, Bộ tiêu chí phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 – 2020 có một số tiêu chí chưa phản ánh đầy đủ những vấn đề cần quan tâm, đề cập gắn với định hướng, tiếp cận thị trường của sản phẩm OCOP. Điều này khiến các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất khó thực hiện trong quá trình triển khai. Hơn nữa, cơ cấu điểm của một số tiêu chí chưa phù hợp với định hướng và yêu cầu của chương trình OCOP theo hướng phát huy nội lực, giá trị gia tăng và phát triển kinh tế cộng đồng nông thôn.
Quá trình tổ chức thực hiện đánh giá, phân hạng chưa thực sự chặt chẽ. Một số địa phương còn dễ dãi trong quá trình đánh giá ở một số tiêu chí, làm cho sản phẩm chưa đạt được tiêu chuẩn đáp ứng cho tiêu dùng của khách hàng, dẫn đến khó tiêu thụ. Từ đó khiến cho sản phẩm OCOP chưa thực sự phát huy hiệu quả phát triển kinh tế tại khu vực nông thôn.
Từ thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, thay thế Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019, cho phù hợp hơn với sự phát triển nông thôn, cũng như yêu cầu thị trường hiện nay.
Ngoài các tiêu chí về đánh giá, công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, hiện nay chương trình phát triển OCOP vẫn còn nhiều điều cần phải giải quyết để sản phẩm nâng chất lượng. Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần sự thay đổi mới có thể phát triển.
"Hiện nay có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có chứng nhận OCOP nhưng vẫn có thể tiêu thụ tốt, xuất khẩu được khiến nhiều đơn vị sản xuất luôn tự đặt câu hỏi tham gia OCOP thì nhận được gì. Đây là điểm nghẽn từ trong nhận thức của các đơn vị sản xuất. Với các dòng sản phẩm đã tiêu thụ được, khi tham gia OCOP, sản phẩm được hệ thống đánh giá, giám sát, nâng cao chất lượng, bao bì, kết nối, xúc tiến như vậy sẽ tiêu thụ tốt hơn" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đa số những sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên đều thuộc dòng sản phẩm chế biến. Chính vì vậy, để nâng chất sản phẩm OCOP, các chủ thể tham gia cũng phải nâng cao ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhất là khâu sơ chế, chế biến. Điều này góp phần tạo ra sản phẩm mới, giúp giảm bớt được rủi ro mùa vụ, Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Điển hình về hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất các sản phẩm OCOP, có thể thấy, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương ngoài việc bán "cây xoài nhà tôi" với sản phẩm OCOP rất chất lượng thì còn nhiều sản phẩm như nước xoài, ép xoài sấy khô, làm bánh xoài rất nhiều vị... qua việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ.
Tăng chất lượng cho sản phẩm xuất khẩu
Là một trong những sản phẩm nông nghiệp đứng trong nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô la, ngay từ ban đầu, hạt điều Việt Nam đã khẳng định chất lượng vượt trội so với mặt hàng cùng loại của các quốc gia khác trên thế giới. Hiện hạt điều cũng đã có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao (mức sao đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu), cũng là mức sao mà các đơn vị sản xuất và đăng kí chứng nhận OCOP đang hướng đến.
Nói đến hạt điều, Bình Phước là nơi cũng ứng hạt điều nguyên liệu lớn nhất cả nước. Theo ông Phạm Thụy Luân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, tại địa phương, hạt điều rang muối, hạt điều nguyên vị và hạt điều nhân trắng của Công ty cổ phần Hà Mỵ vừa được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương năm 2023 công nhận OCOP 5 sao (OCOP cấp quốc gia). Đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn OCOP quốc gia, tạo nên tiếng vang lớn cho sản phẩm hạt điều Bình Phước nói chung, hạt điều của Công ty cổ phần Hà Mỵ nói riêng.
Theo bà Hà Thị Mỵ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hà Mỵ, cả 3 sản phẩm hạt điều của Hà Mỵ đạt được danh hiệu OCOP 5 sao là cả một quá trình phấn đấu xây dựng thương hiệu suốt hơn 30 năm qua. Hiện 3 dòng sản phẩm hạt điều đạt chứng nhận OCOP 5 sao này nằm trong 9 dòng sản phẩm hạt điều được UBND tỉnh Bình Phước chứng nhận OCOP 4 sao và được chứng nhận là sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia.
Hiện nay, các dòng sản phẩm hạt điều đạt chuẩn OCOP 4 sao trở lên của Hà Mỵ đã được xuất khẩu ra toàn thế giới, đặc biệt đã chinh phục được nhiều thị trường có yêu cầu cao như Mỹ, EU.... Đối với nội địa, sản phẩm Hà Mỵ làm nhãn hàng riêng cho hệ thống siêu thị lớn nhất của Việt Nam là Co.opmart.
Không dừng lại ở tiêu chuẩn OCOP 5 sao với các sản phẩm hạt điều, Công ty cổ phần Hà Mỵ cũng đang có kế hoạch xây dựng nhà máy đạt chuẩn organic và mở rộng vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ. Ngoài 3 sản phẩm đạt OCOP 5 sao, Công ty cổ phần Hà Mỵ đang nộp hồ sơ để được chứng nhận thêm 9 sản phẩm trong thời gian tới - bà Hà Thị Mỵ cho biết thêm.
Nhằm nâng cao chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp cũng ứng cho xuất khẩu, trong tháng 4/2023 vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 127/UBND-KH về thực hiện OCOP giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh. Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025 là phấn đấu có thêm 150 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 10% sản phẩm "tiềm năng 5 sao" đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia...
Thông qua các chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao, sản phẩm nông nghiệp tăng thêm nhiều cơ hội xuất khẩu ra thị trường thế giới. (Hết)
Trinh Hoàng Nhan