Nâng cao giá trị cây chè và thương hiệu trà Thái Nguyên

Sản xuất chè tại HTX chè Nhật Thức, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Sản xuất chè tại HTX chè Nhật Thức, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Là vùng chè trọng điểm của cả nước, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao giá trị cây chè và thương thiệu sản phẩm trà. Đây cũng là chủ đề chính được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị "Nâng cao giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên" diễn ra ngày 23/2 tại tỉnh Thái Nguyên.

Chè Thái Nguyên đang dẫn đầu cả nước về sản lượng và diện tích với hơn 22.200 ha và 260.000 tấn búp tươi. Trong nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè theo hướng trồng mới, trồng thay thế, cải tạo lại những nương chè trung du, già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến chè xanh cao cấp, đặc sản.

Nâng cao giá trị cây chè và thương hiệu trà Thái Nguyên ảnh 1 Vùng sản xuất chè an toàn của HTX chè La Bằng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Hiện tỷ lệ giống mới đang chiếm 82,7% diện tích chè toàn tỉnh. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu về giá trị sản xuất chè, sản lượng chè búp tươi, diện tích sản xuất chè an toàn đạt tiêu chuẩn quốc gia đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, ngành chè Thái Nguyên vẫn gặp phải một số khó khăn hạn chế về hoạt động xúc tiến, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, giá vật tư, đặc biệt là giá phân bón liên tục tăng và ở mức cao do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua.

Ngoài ra, việc mở rộng diện tích chè vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, quỹ đất để trồng chè giảm; diện tích, sản lượng chè đạt tiêu chuẩn quốc gia về hữu cơ còn thấp; việc liên kết tổ chức sản xuất, mẫu mã, bao bì tại một số cơ sở sản xuất còn hạn chế… Đặc biệt, mặc dù đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, song chủ yếu vẫn ở quy mô hộ, các hộ tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã còn lúng túng trong khâu tổ chức sản xuất dẫn đến hiệu quả chưa cao, nhất là khâu sơ chế, chế biến nên khó có thể tạo ra khối lượng lớn sản phẩm đồng đều về chất lượng…

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã cùng nhau thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao giá trị cây chè và thương hiệu sản phẩm trà. Ông Hoàng Đức Vỹ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho rằng, quản lý và phát triển hiệu quả giá trị của thương hiệu "Chè Thái Nguyên" sẽ cho phép tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường nhờ những đặc trưng và danh tiếng của sản phẩm chè Thái Nguyên. Điều này sẽ làm gia tăng giá trị sản xuất và thương mại, góp phần quan trọng về chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Theo đó, tỉnh cần ưu tiên bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học cho hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ chè. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn các thủ tục về sở hữu trí tuệ; ghi, gắn nhãn hàng hoá sản phẩm chè, tạo dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể; thực hiện nội dung hỗ trợ tạo dựng thương hiệu sản phẩm chè. Đặc biệt, tỉnh cần đẩy mạnh việc nghiên cứu sự phù hợp, khả năng đáp ứng, duy trì các tiêu chí, quy định pháp luật của các quốc gia - thị trường tiêu thụ sản phẩm chè tiềm năng trên thế giới để lập hồ sơ và hoàn thiện các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên".

Để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, nâng cao vị thế "Chè Thái Nguyên" trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho rằng, các doanh nghiệp chè trên địa bàn tỉnh cần phải đảm bảo tính ổn định và chất lượng. Bởi hiện nay, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh chủ yếu là xuất chè thô, mặc dù sản lượng khá lớn nhưng giá trị đạt thấp, đối với một số thị trường khó tính như EU, Mỹ hầu hết các doanh nghiệp khó xâm nhập được hoặc xuất khẩu với số lượng không đáng kể.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn chưa thực sự chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm chè về bao bì, mẫu mã nên sức cạnh tranh thấp; việc tìm hiểu thông tin về thị trường nội địa cũng như xuất khẩu chưa được các doanh nghiệp quan tâm.

Đề xuất các giải pháp về phát triển chè bền vững trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên cho rằng cần có cơ chế khuyến khích các hộ sản xuất chè nhỏ lẻ liên kết với các doanh nghiệp để tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn, có ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai việc cấp mã số vùng trồng cho các vùng chè trong tỉnh và duy trì vùng trồng sau cấp mã số đối với sản phẩm chè có khả năng xuất khẩu và phục vụ nội tiêu. Đặc biệt, thực hiện triệt để giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè trên nền tảng số, tích hợp giá trị để minh bạch thông tin sản phẩm tạo sự thuận lợi cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên đã có gần 4.400 ha chè áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP; cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified là 11 ha và sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ đạt 127 ha; trong đó có 65 ha được cấp chứng nhận hữu cơ. Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 28 vùng trồng chè được gắn mã số vùng trồng với trên 217 ha. Các vùng trồng này đã được gắn mã số vùng trồng và định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, cơ hội để chè Thái Nguyên khẳng định vị trí trên thị trường thế giới là rất lớn, bởi hiện nay, sản lượng chè của Việt Nam đang đứng thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc. Sản lượng chè xanh toàn cầu dự báo nhu cầu tăng nhanh hơn trong những năm tới, thị trường tiêu thụ sản phẩm chè trong nước dự báo tiếp tục tăng cao, nhất là trong 3 tháng cuối năm.

Ngoài ra, nhu cầu du lịch, trải nghiệm nông nghiệp; trong đó có du lịch tại các vùng sản xuất chè gắn với văn hoá, ẩm thực địa phương đang có xu hướng tăng… Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao giá trị cây chè và thương hiệu sản phẩm trà trong thời gian tới chính là những điều kiện quan trọng để chè Thái Nguyên bứt phá, khẳng định thương hiệu trên các thị trường trong nước và quốc tế.

Thu Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm