|
Sử dụng giáo cụ trực quan giúp học sinh tăng thêm vốn tiếng Việt tại trường mầm non Dào San, xã Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Quy mô trường, lớp cơ bản được ổn định, các điều kiện đảm bảo cho dạy và học hàng năm được đầu tư, bổ sung; môi trường sư phạm được cải thiện, thu hút học sinh đến trường. Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, ngành giáo dục Lai Châu đã xây dựng nhiều giải pháp trong đó hướng tới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm.
|
Giờ tập đọc môn Tiếng Việt của học sinh lớp 1 tại điểm trường San Cha, trường Tiểu học Vừ A Dính, xã Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Theo đó, phòng giáo dục và đào tạo các huyện trên địa bàn tỉnh thành lập tổ tư vấn về xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học; xây dựng các quy định, quy chế trong nhà trường; tổ chức dạy học theo đối tượng vùng miền đáp ứng mục tiêu giáo dục. Đồng thời, các trường bán trú tổ chức các hoạt động bán trú cho học sinh để huy động, thu hút các em ra lớp, nâng cao tỷ lệ chuyên cần. Nhân rộng mô hình trường dạy học 2 buổi/ngày.
|
Giáo viên hướng dẫn học sinh tập viết trong giờ học môn Tiếng Việt dạy theo chương trình mới “Công nghệ tiếng Việt lớp 1”của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Vừ A Dính, xã Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Ông Đinh Trung Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: Đối với các trường mầm non, Sở yêu cầu giáo viên phát âm đúng và tiếp tục thực hiện chuyên đề “Khắc phục lỗi phát âm tiếng Việt”; đổi mới những nội dung sinh hoạt chuyên môn như trao đổi, thảo luận những kiến thức, phương pháp dạy trẻ theo đối tượng và tổ chức các tiết dạy chuyên đề cho giáo viên tham khảo. Bên cạnh đó tiếp tục phối hợp tốt giữa gia đình với nhà trường trong việc thực hiện chuyên đề giáo dục phát triển vận động. Các đơn vị trường mầm non phải chú trọng tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm, khám phá và hoạt động tập thể để trẻ rèn tính tích cực, mạnh dạn, tự tin.
|
Giờ học tập làm quen với chữ cái của học sinh mầm non tại điểm trường San Cha, trường mầm non Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Đối với các trường tiểu học, chủ động sắp xếp lớp học phù hợp theo năng lực học tập của học sinh và đặc điểm của nhà trường. Ngoài ra tăng cường rèn luyện các kỹ năng như trả lời, âm lượng khi phát âm và ý thức tự giác học tập, giữ gìn đồ dùng học tập cho học sinh; tổ chức các hoạt động giao lưu cho học sinh để nâng cao các phong trào thi đua...
|
Giáo viên sử dụng giáo cụ trực quan trong giảng dạy, giúp học sinh tăng thêm vốn tiếng Việt tại trường mầm non số 2 Mường Than, huyện Than Uyên (Lai Châu). Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Với các trường THCS, tập trung nâng cao chất lượng lớp 6 và lớp 9, trong đó chú trọng chất lượng các môn Toán, Văn, Sử và Tiếng Anh cho các em học sinh; nghiên cứu chuyển đổi hình thức dạy học từ 1 buổi/ngày sang 2 buổi/ngày; xây dựng chương trình, khung nội dung học tập theo định hướng dạy học có chủ đề, ưu tiên tăng thời lượng thực hành giúp học sinh rèn kĩ năng làm bài, trình bày ý tưởng, thể hiện quan điểm, nhận thức của bản thân hướng tới phát triển năng lực người học một cách hiệu quả nhất. Trong quá trình thiết kế bài giảng, giáo viên cần dụng một cách linh hoạt, hiệu quả, không nhất thiết phải đúng trình tự tiếp cận như sách giáo khoa đã nêu...
|
Giờ học môn Tiếng Việt theo chương trình mới “Công nghệ tiếng Việt lớp 1”của học sinh lớp 1, điểm trường Sểnh Sảng A, Trường Tiểu học Dào San xã Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
|
Giờ học môn Tiếng Việt theo chương trình mới “Công nghệ tiếng Việt lớp 1”của học sinh lớp 1, điểm trường Sểnh Sảng A, Trường Tiểu học Dào San xã Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
"Để đảm bảo thực hiện tốt những giải pháp trên, các phòng ban chuyên môn giáo dục của tỉnh, huyện tổ chức các đoàn kiểm tra, tư vấn, giúp đỡ các đơn vị trường vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó tập trung vào các nội dung như: huy động học sinh ra lớp và nâng cao tỷ lệ chuyên cần; nâng cao hiệu quả công tác bán trú; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học, các quy định, quy chế phù hợp điều kiện của đơn vị; tổ chức, thực hiện những việc cần làm ngay ở các cấp học để nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn", ông Đinh Trung Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết thêm.
|
Giờ học làm quen với chữ cái tiếng Việt của học sinh Mầm non tại điểm trường San Cha, trường Mầm non Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Hiện, tỉnh Lai Châu có trên 430 trường các cấp học; với hơn 5.900 lớp, khoảng 133.900 học sinh, trong đó học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số hơn 116.200 em. Ngành giáo dục Lai Châu xác định ưu tiên phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, tập trung hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong đó quan tâm đầu tư phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú (hiện toàn ngành có 96 trường phổ thông dân tộc bán trú với khoảng 22.000 học sinh được hưởng chế độ bán trú); tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc cấp mầm non, tiểu học...