Ngày 1/7, Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên hợp quốc (WMO) thông báo mức nhiệt cao kỷ lục mới tại châu Nam Cực - tới 18,3 độ C trong năm 2020. Theo WMO, nhiệt độ cao kỷ lục trên được ghi nhận tại trạm nghiên cứu Esperanza của Argentina trên Bán đảo Nam Cực ngày 6/2/2020.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nêu rõ việc xác định được nhiệt độ tối đa có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các chuyên gia dựng lên một bức tranh toàn cảnh về thời tiết và khí hậu ở một trong những nơi lạnh nhất của Trái Đất. Hiện Bán đảo Nam Cực là nơi đang nóng lên nhanh nhất thế giới, với nhiệt độ trung bình tăng gần 3 độ C trong vòng 50 năm qua.
Dữ liệu về nhiệt độ cao tại Esperanza sẽ được bổ sung vào kho lưu trữ các dữ liệu thời tiết cực đoan của WMO. Kho này bao gồm các thông tin về nhiệt cao nhất và thấp nhất trên thế giới, lượng mưa, mưa đá nặng nhất, chu kỳ khô hạn dài nhất, đợt gió mạnh nhất, giông sét lâu nhất và thiệt hại về người liên quan đến hiện tượng thời tiết cực đoan. Mức nhiệt thấp nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất là -89,2 độ C tại trạm Vostok ở Nam Cực ngày 21/7/1983.
Nhiệt độ trung bình năm tại Nam Cực dao động từ -10 độ C ở vùng bờ biển đến -60 độ C tại nhiều vùng cao hơn nằm sâu bên trong. Nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất đã tăng 1 độ C từ thế kỷ XIX, đủ để tăng tần suất các đợt khô hạn, gió nóng và bão nhiệt đới.
Nghiên cứu gần đây cho thấy mức nhiệt tăng thêm 2 độ C có thể khiến băng tan ở Greenland và Tây Nam Cực, có thể khiến nước biển dâng lên 13m. Các chuyên gia cảnh báo các số liệu này một lần nữa cho thấy các nước cần có nhiều biện pháp khẩn cấp để làm chậm lại tốc độ biến đổi khí hậu. Trước tiên là cần tiếp tục tăng cường giám sát, dự báo và các hệ thống cảnh báo sớm để ứng phó với các hình thái thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên hơn do Trái Đất ấm lên.
Bích Liên