Đã gần ba nă nay, căn phòng nhỏ tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Kim Cúc, huyện Bảo Lạc trở thành ngôi nhà thứ hai của em Hà Minh Hạnh, học sinh lớp 8.
Em Hạnh cho biết, nhà em ở xóm Phiêng Tác, xã Kim Cúc. Để đến trường, em phải đi bộ hơn 9 km trên con đường mòn nhỏ hẹp, dốc đá. Nhờ mô hình trường bán trú, việc đi học của em trở nên thuận lợi hơn nhiều. Sau mỗi buổi học, em không còn vất vả để về nhà mà được ở lại ăn, ngủ, học tại trường. Em chỉ về nhà vào ngày cuối tuần. Không chỉ vậy, ở bán trú, Hạnh còn được thầy cô giúp đỡ ôn luyện bài vào buổi tối, quan tâm đến sức khỏe, dạy kĩ năng sống cơ bản...
Em Hạnh cho biết, nhà em ở xóm Phiêng Tác, xã Kim Cúc. Để đến trường, em phải đi bộ hơn 9 km trên con đường mòn nhỏ hẹp, dốc đá. Nhờ mô hình trường bán trú, việc đi học của em trở nên thuận lợi hơn nhiều. Sau mỗi buổi học, em không còn vất vả để về nhà mà được ở lại ăn, ngủ, học tại trường. Em chỉ về nhà vào ngày cuối tuần. Không chỉ vậy, ở bán trú, Hạnh còn được thầy cô giúp đỡ ôn luyện bài vào buổi tối, quan tâm đến sức khỏe, dạy kĩ năng sống cơ bản...
Học sinh Trường PTDTBT THCS Kim Cúc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) tham gia tạo cảnh quan nhà trường. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN |
Tại các trường bán trú, thầy cô giáo cũng là những “hạt nhân” mang niềm vui đến cho học sinh vùng khó khăn. Ngoài công tác chuyên môn, thầy cô giáo phải chia nhau nhiều việc để đảm bảo chăm lo cho học sinh về mọi mặt. Cô giáo Bế Thị Lan, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Kim Cúc cho biết, sau những tiết dạy chính trên lớp, cô lại tất bật cùng với nhân viên cấp dưỡng lo bữa cơm trưa cho 179 học sinh bán trú tại trường. Ngoài việc dạy học, cô Lan cùng các thầy cô khác trong trường còn làm thay nhiệm vụ của những người cha, người mẹ.
Phòng bán trú của học sinh Trường PTDTBT THCS Kim Cúc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN |
Cô giáo Nguyễn Hải Yến, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Kim Cúc, huyện Bảo Lạc cho biết, năm học 2019-2020, nhà trường có 183 học sinh, đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó số học sinh ở bán trú chiếm gần 98%. Hầu hết các học sinh này ở những địa bàn xa trung tâm xã. Nhà trường hiện có 8 phòng bán trú, 1 nhà ăn. Ngoài giờ lên lớp, những học sinh ở bán trú tại trường còn được các thầy, cô hướng dẫn kỹ năng sống, giao tiếp cũng như tham gia sinh hoạt ngoại khóa ngoài giờ. Để quản lý, chăm sóc học sinh bán trú, Ban giám hiệu nhà trường đã phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ trực theo ca. Ban Giám hiệu nhà trường cũng kiểm tra sát sao khẩu phần ăn hàng ngày của học sinh nhằm đảm bảo đầy đủ theo quy định. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, việc lưu mẫu thực phẩm được kiểm soát thường xuyên.
Nhân viên cấp dưỡng nấu cơm cho học sinh trường bán trú. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN |
Đánh giá về hiệu quả mô hình trường bán trú, bà Nông Thị Loan-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lạc cho biết, sự thay đổi lớn nhất từ mô hình trường học bán trú chính là tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần tăng lên nhiều. Năm học 2019-2020, toàn huyện Bảo Lạc có gần 14.000 học sinh, trong đó số học sinh bán trú chiếm trên 80%. Việc đảm bảo điều kiện tổ chức nuôi dưỡng học sinh bán trú cũng là giải pháp quan trọng để vận động học sinh ra lớp đạt kết quả cao, giáo viên ở vùng khó đỡ vất vả hơn. Đối với huyện Bảo Lạc, năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh bỏ học cấp Tiểu học chiếm 0,1%, cấp Trung học cơ sở là 0,4%... Ngoài huyện Bảo Lạc, mô hình trường học bán trú này đã được thực hiện tại các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh như Nguyên Bình, Thông Nông, Bảo Lâm...
Một bữa ăn của học sinh Trường PTDTBT THCS Kim Cúc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN |
Ông Vũ Văn May, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyên Bình cho biết, hiện nay, toàn huyện Nguyên Bình có trên 100 phòng bán trú cho học sinh. Sau nhiều năm thực hiện mô hình trường bán trú, kết quả giáo dục của các trường trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ chuyên cần đạt từ 95-97%, giáo viên không phải đến nhà vận động học sinh ra lớp, tình trạng bỏ tiết học của học sinh không còn. Đặc biệt, mô hình này đã giúp nhiều gia đình bỏ được quan điểm lạc hậu là học sinh nữ không cần học nhiều mà nên ở nhà lấy chồng từ 13, 14 tuổi. Thực hiện mô hình trường bán trú, năm học 2018 - 2019, tại Nguyên Bình đã có trên 80% học sinh nữ được học hết lớp 9, tỉ lệ học sinh nữ học lên cấp Trung học phổ thông cũng được tăng lên...
Học tại trường bán trú, học sinh được các thầy, cô giáo thường xuyên quan tâm việc học hành. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN |
Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng khẳng định, xây dựng mô hình trường bán trú là chủ trương đúng đắn và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng khó khăn trong tỉnh. Mô hình này đã góp phần giảm tình trạng học sinh bỏ học, đây cũng là nền tảng để các trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển một cách ổn định và bền vững. Tuy nhiên, tại nhiều trường bán trú cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng các chương trình hỗ trợ học sinh, trường ở vùng khó khăn. Bên cạnh đó huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, tạo cảnh quan trường từng bước đáp ứng điều kiện ăn ở, học tập cho học sinh một cách thuận lợi nhất. Ngành cũng tăng cường công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và quan tâm đến các hoạt động ngoài giờ lên lớp ở trường bán trú ở vùng sâu, vùng xa...
Chu Hiệu