Măng cụt Bảo Lộc được cấp nhãn hiệu độc quyền

Ngày 18/9, UBND thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết thêm một đặc sản của địa phương này vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là “Măng cụt Bảo Lộc”.

Mang cut Bao Loc duoc cap nhan hieu doc quyen hinh anh 1Logo Măng cụt Bảo Lộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu sản phẩm. Ảnh: baolamdong.vn

Đây là sản phẩm tiếp theo của thủ phủ chè Bảo Lộc được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền sau thương hiệu “Trà B’Lao” được cấp năm 2009.

Nhãn hiệu “Măng cụt Bảo Lộc” thuộc nhóm 31 - quả măng cụt tươi, có hiệu lực trong thời gian 10 năm kể từ ngày cấp. Với việc được công nhận nhãn hiệu sản phẩm sẽ giúp chính quyền địa phương và người tiêu dùng nhận diện, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm măng cụt Bảo Lộc trên thị trường. Đây cũng là cơ hội lớn để thành phố Bảo Lộc có quy hoạch vùng sản xuất và thiết lập vùng chuyên canh, định hướng người dân đầu tư phát triển bền vững cây măng cụt.

Theo thống kê, toàn thành phố Bảo Lộc có hơn 231 ha măng cụt. Trong đó, diện tích măng cụt trong giai đoạn kinh doanh 115,5 ha, năng suất trung bình đạt 74,06 tạ/ha và sản lượng bình quân đạt 855 tấn/năm. Cây măng cụt được trồng chủ yếu trên địa bàn các phường, xã như Lộc Sơn, B’Lao, Lộc Tiến, Phường 2, Lộc Thanh, Đam B'ri và Lộc Châu.

Mang cut Bao Loc duoc cap nhan hieu doc quyen hinh anh 2Măng cụt Bảo Lộc có cơm dày trắng muốt, thơm ngon và có độ chua ngọt rất thanh. Ảnh: baolamdong.vn

Với mức giá ổn định từ 35.000 – 55.000 đồng/kg (lúc cao điểm có thể đạt 70.000 đồng/kg), măng cụt Bảo Lộc đem lại thu nhập khá cao cho người dân. Đặc biệt với chất lượng tốt, vỏ mỏng, cơm dày, vị ngọt thanh nên từ lâu măng cụt Bảo Lộc đã có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng, chọn lựa mỗi khi đến mùa thu hoạch kéo dài từ tháng 8 - 10 hằng năm.

Nguyễn Dũng

Tin liên quan

Lâm Đồng đặt mục tiêu năm 2025 có 250 sản phẩm OCOP

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn, giai đoạn 2022-2025 (Chương trình OCOP Lâm Đồng). Mục tiêu đến năm 2025, Lâm Đồng có ít nhất 250 sản phẩm OCOP, gồm 230 sản phẩm cấp tỉnh và 20 sản phẩm cấp quốc gia.



Đề xuất