Trà Vinh cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi nâng cao giá trị sản phẩm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đang tăng cường hỗ trợ nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để mở rộng diện tích cây trồng, con nuôi thủy sản được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và ưu thế cạnh tranh lượng tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

vna_potal_tra_vinh_co_gan_28000ha_dien_tich_trong_dua_7268346 (1).jpg
Diện tích trồng dừa tại xã Lương Hòa (Châu Thành, Trà Vinh). Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã cấp mới 60 mã số vùng trồng phục thị trường trong nước, cho 11 loại cây trồng, với diện tích gần 3.945 ha và 26 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu cho 12 loại cây trồng, với diện tích 1.626 ha. Về vùng nuôi thủy sản, hiện tỉnh đã cấp mã số ao nuôi cho 132 hộ và doanh nghiệp, diện tích gần 100 ha.

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu nâng giá trị đất canh tác đạt mức từ 155 triệu đồng/ha/năm trở lên. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt trên 32.240 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so năm 2023.

Để đạt mục tiêu, ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, ngành tăng cường hỗ trợ nông dân, hợp tác xã xây dựng phát triển diện tích sản xuất nông nghiệp tốt. Nông dân được lực lượng cán bộ kỹ thuật chuyển giao khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào các mô hình sản xuất an toàn, chất lượng và hiệu quả để được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp (giai đoạn 2022 – 2025) với khoảng 120 đề tài, dự án nghiên cứu; xây dựng từ 20 - 40 mô hình sản xuất ứng dụng khoa học và công nghệ cao để hướng dẫn nông dân áp dụng.

Theo ông Lê Văn Đông, nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài hiện nay đối với các sản phẩm, hàng hóa nông sản rất chú trọng về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về quy chuẩn. Do vậy, người sản xuất muốn có được thị trường tiêu thụ lớn, ổn định, tăng lợi nhuận trong sản xuất bắt buộc phải kiểm soát chặt chẽ quy trình canh tác từ cây giống, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đến khâu thu hoạch, bảo quản,… để được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi thể hiện rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa.

Ông La Quốc Yên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp – Thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành cho biết, từ năm 2022 đến nay, hợp tác xã có diện tích 110 ha đất trồng lúa được cấp mã số vùng trồng (VN.TVOR.0076.LUA.CHINA) với tổng sản lượng 650 tấn lúa/vụ. Bình quân mỗi năm hợp tác xã xuất khẩu lúa sang thị trường Trung Quốc trên 80% tổng sản lượng lúa nông dân làm ra, với giá thành xuất đi cao hơn bên ngoài từ 150 - 200 đồng/kg. Đây là ưu thế trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân thành viên hợp tác xã nâng cao thu nhập trước biến động của thị trường về hàng hóa nông sản./.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm