Tây Ninh có tổng diện tích trồng mãng cầu ta (na) gần 5.600 ha và là tỉnh có diện tích trồng mãng cầu ta lớn nhất nước. Nhằm bảo tồn và phát triển giống cây mãng cầu bản địa có giá trị kinh tế cao, bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn gen, góp phần phát triển thương hiệu mãng cầu Tây Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống mãng cầu ta do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đăng ký.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, mãng cầu ta được xem là một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tây Ninh. Đặc biệt, Tây Ninh có điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi, nhất là khu vực quanh chân núi Bà Đen phù hợp tốt với môi trường sinh thái của cây mãng cầu. Hiện Tây Ninh có trên 5.100 ha mãng cầu cho sản phẩm với sản lượng cung cấp ra thị trường ước đạt 74.649,8 tấn/năm. Năng suất bình quân đạt 145,2 tấn/ha.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 8 xã có chỉ dẫn địa lý mãng cầu Bà Đen, sản xuất tập trung gồm: xã Suối Đá, xã Phan, xã Bàu Năng (thuộc huyện Dương Minh Châu); xã Tân Hưng (thuộc huyện Tân Châu); xã Thạnh Tân, xã Tân Bình, phường Ninh Thạnh, phường Ninh Sơn (thuộc thành phố Tây Ninh).
Về chất lượng, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đánh giá, mãng cầu Bà Đen có tỷ lệ hàm lượng đạm, đường tổng số, năng lượng (calories) cao với độ pH trung tính. Ngoài ra trong nạc trái mãng cầu còn có chứa nhiều nguyên tố vi lượng như kali, kẽm, magiê, mangan, sắt, can xi và giàu các loại vitamine như B1, C. Với đặc điểm là trái to, thịt dai, mùi vị thơm ngon, mãng cầu Bà Đen hiện đang có mặt trên tất cả các thị trường tiêu thụ lớn của cả nước.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh, hiện nay, có 4 nhóm giống mãng cầu ta được trồng phổ biến. Tuy nhiên chỉ có nhóm giống mãng cầu dai là được người dân ưa chuộng do có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Mãng cầu ta có thể nhân giống vô tính và hữu tính. Trong sản xuất, biện pháp nhân giống bằng hạt vẫn được người dân áp dụng rộng rãi do chi phí thấp, cây trồng từ hạt có độ đồng đều tương đối so với một số cây ăn quả khác. Biện pháp ghép ít được áp dụng do khó làm, chi phí cao. Tuy nhiên vườn mãng cầu trồng bằng cây nhân giống vô tính cần được quan tâm nhằm tạo vườn cây thuần giống giúp ổn định năng suất, phẩm chất tốt, đồng đều, đáp ứng được yêu cầu trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.
Việc giống mãng cầu ta bản địa của tỉnh Tây Ninh (bông xoắn, bông thẳng) vừa chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép được lưu hành đặc cách, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đánh giá đây là bước tiến mới trong phát triển giống của Tây Ninh, tạo ra cây giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mãng cầu. Qua đó, ý nghĩa của việc công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng đối với giống mãng cầu ta (na) của tỉnh Tây Ninh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh giống mãng cầu bản địa có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của giống, đảm bảo chất lượng nguồn giống từ địa phương và đặc biệt quan trọng là mang thương hiệu Mãng cầu Tây Ninh có mã số lưu hành trên toàn quốc là CNLH.2024.76.
Để thực hiện tốt việc quản lý chất lượng giống cũng như sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bà Đen” cho sản phẩm quả mãng cầu Tây Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề nghị các tổ chức, cá nhân trồng và sản xuất giống mãng cầu đã được cấp Quyết định bảo hộ giống cây trồng cần tiếp tục áp dụng tốt các quy trình sản xuất như: chương trình quản lý dịch hại IPM, ICM…, quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để bảo tồn, nhân giống, cải thiện giống cây mãng cầu mang lại hiệu quả, chất lượng cao hơn.
Trước đó, sản phẩm mãng cầu Bà Đen đã được Cục Sở Hữu Trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý và bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam và được xếp hạng sản phẩm OCOP hạng 4 sao.
Trong khi đó, kỹ thuật canh tác đối với cây mãng cầu Bà Đen của các hộ trồng mãng cầu cũng có những đặc thù. Theo ông Hà Chí Mãng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh), ở khu vực núi Bà Đen nông dân không chỉ chăm sóc cho cây mãng cầu tạo trái chất lượng ngon mà còn hình thành tập quán rải vụ thu hoạch. Đây chính là điểm khác biệt của mãng cầu Bà Đen - Tây Ninh so với các vùng khác, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Theo đó, để trái mãng cầu Bà Đen phát triển bền vững, người trồng mãng cầu cũng phải chủ động tham gia vào chuỗi giá trị, nhất là việc cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm cho trái mãng cầu.
Giang Phương