Ngày 10/12, tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ đã trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Mãng cầu Thới Hưng" do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp cho đại diện Hội Nông dân xã Thới Hưng làm chủ sở hữu.
"Mãng cầu Thới Hưng" là một trong 12 nhãn hiệu tập thể ở thành phố Cần Thơ được cấp văn bằng bảo hộ trong năm 2021.
Xã Thới Hưng hiện có trên 4.000 ha cây ăn quả, trong đó có khoảng 500ha trồng mãng cầu na và mãng cầu xiêm với sản lượng khoảng 8.000 - 9.000 tấn/năm. Diện tích mãng cầu được trồng tập trung ở ấp 6 và ấp 7. Hiện nay, mãng cầu Thới Hưng chỉ mới tiêu thụ ở thị trường trong nước thông qua kênh thương lái. Thời gian qua, UBND xã đã tham mưu UBND huyện xúc tiến tìm đối tác để liên kết bao tiêu đầu ra quả mãng cầu cho Hợp tác xã mãng cầu Thới Hưng và người dân.
Ngoài bán quả, để nâng cao giá trị cho mãng cầu, xã Thới Hưng còn xây dựng hai nhãn hiệu trà mãng cầu đạt thương hiệu sản phẩm OCOP 4 sao, Hợp tác xã mãng cầu Thới Hưng đang sản xuất rượu mãng cầu để xây dựng thương hiệu Rượu mãng cầu Cờ Đỏ.
Mãng cầu Thới Hưng là một trong các loại cây ăn quả nằm trong Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015-2020.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ) cho biết, nhãn hiệu "Mãng cầu Thới Hưng" được bảo hộ là cơ hội để thị trường biết đến sản phầm này nhiều hơn trong thời gian tới. Vì vậy, địa phương cần tiếp tục xây dựng và phát triển sản phẩm mãng cầu Thới Hưng đạt chất lượng, đảm bảo số lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị quả mãng cầu. Từ đó xây dựng và phát triển thương hiệu mãng cầu Thới Hưng đủ sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Tính đến tháng 10/2021, thành phố Cần Thơ có 227 nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó số nhãn hiệu được bảo hộ của quận Ninh Kiều chiếm 62%.
Theo ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ, một số doanh nghiệp sở hữu nhiều sản phẩm và giá trị sản phẩm tăng sau khi được cấp văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, đối với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của các doanh nghiệp nhỏ còn mang nặng tính phong trào, hình thức. Các sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường do chủ sở hữu hạn chế về năng lực quản lý và phát triển thương hiệu.
Nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả bảo hộ, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND thành phố Cần Thơ ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ đến năm 2030.
Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong, ngoài nước đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới; hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ nội dung thuộc Chương trình. Một số nhiệm vụ ưu tiên thực hiện như: Xác lập quyền sở hữu trí tuệ các giống lúa OM; xây dựng và phát triển thương hiệu bánh tráng Thuận Hưng; phát triển thương hiệu Gạo Cần Thơ, Bánh tét lá cẩm Cần Thơ, Nhãn IDO Đồng Tâm, Mãng cầu Thới Hưng; chuyển đổi số trong xây dựng và phát triển thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực…
Thu Hiền