Từ một nghề phụ lúc nông nhàn, đến nay, nghề làm tăm hương đã phát triển mạnh, trở thành nghề chính, đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Đồng thời, đây cũng đang là điểm đến du lịch mới mẻ của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Thu nhập ổn định từ nghề làm tăm hương
Nằm cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 35km về phía Nam, làng nghề làm tăm hương Quảng Phú Cầu đã có hơn 100 năm tồn tại và phát triển.
Được biết, nghề làm tăm hương truyền thống tại xã Quảng Phú Cầu trước kia chủ yếu phát triển ở thôn Phú Thượng với quy mô nhỏ lẻ tại các hộ gia đình. Tuy nhiên, vài chục năm trở lại đây, khi thương hiệu tăm hương Quảng Phú Cầu phát triển, được nhiều người biết đến thì nghề làm tăm hương được mở rộng ra nhiều thôn khác của xã như Đạo Tú, Cầu Bầu, Quảng Nguyên,… Qua đó, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn và các vùng lân cận.
Tuy có được nguồn thu nhập ổn định từ nghề làm tăm hương, song người dân Quảng Phú Cầu cũng gặp không ít vất vả bởi nghề này phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Chỉ những ngày nắng ráo mới phơi được hương, nếu chân hương dính nước mưa sẽ bị ẩm mốc và không thể sử dụng được.
Phát triển du lịch song hành cùng lợi ích kinh tế
Không chỉ cung ứng thị trường trong nước, sản phẩm tăm hương làng nghề truyền thống Quảng Phú Cầu đã xuất khẩu qua nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Vương quốc Anh. Đặc biệt, làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu gần đây đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước để tham quan và trải nghiệm làng nghề.
Khách du lịch về thăm làng nghề ngày càng nhiều, người dân xã Quảng Phú Cầu nhận thấy đây là tiềm năng phát triển du lịch. Bởi vậy, để phục vụ thị hiếu của khách du lịch, các chủ cơ sở đã xếp chân hương thành những biểu tượng nghệ thuật như bông hoa, bản đồ Việt Nam... cho du khách chụp ảnh. Sự sáng tạo này cùng việc đẩy mạnh quảng bá, truyền thông qua các kênh mạng xã hội, làng nghề tăm hương truyền thống Quảng Phú Cầu đã và đang trở thành điểm đến mới lạ thu hút du khách trong nước cũng như quốc tế.
Có thể khẳng định, việc vừa tạo ra sản phẩm phục vụ thị trường trong nước lẫn quốc tế, kết hợp với phát triển du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm tại xã Quảng Phú Cầu đã mang lại lợi ích kép về kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương đồng thời vẫn gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
Trong tương lai, nếu được đầu tư đúng mức và khai thác có hiệu quả, chắc chắn việc phát triển làng nghề gắn với du lịch sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho không chỉ làng nghề Quảng Phú Cầu mà còn cả những làng nghề truyền thống khác. Đây cũng có thể coi là một hướng đi mới đối với các làng nghề đang dần mai một tại Việt Nam.
Lệ Giang