Mỗi dịp Tết đến Xuân về, làng nghề Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế lại tất bật vào mùa nặn tượng Táo quân, cho ra lò những sản phẩm mới để kịp cung ứng cho thị trường.
Giữa tháng Chạp là thời điểm các gia đình làm nghề bận rộn nhất, không khí làng nghề cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Những người thợ tất bật vận chuyển đất, đúc tượng Táo quân, đưa đi phơi, đốt lò nung tượng. Đến đầu làng đã nghe tiếng gõ lọc cọc phát ra từ những chiếc khuôn đúc, mùi trấu cháy khét, mùi đất mới nung thoảng trong gió.
Theo người dân làng nghề, nghề làm tượng Táo quân khá tốn công. Để chuẩn bị cho mùa làm tượng dịp Tết, từ tháng 3-4 âm lịch, người làm tượng đã đi các vùng chọn mua đất sét vàng, ít lẫn tạp chất về dự trữ. Đến tháng 10 âm lịch, cả làng bắt tay vào vụ chính. Khoảng 20 tháng Chạp, các gia đình làm nghề sẽ cho ra lò mẻ tượng cuối cùng, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Để làm một tượng Táo quân hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua một quá trình chọn đất, nhồi nặn công phu mới ra được sản phẩm đúng chuẩn. Khuôn đúc làm từ gỗ lim, được đục chạm hình tượng hai ông, một bà Táo đứng cạnh nhau. Khi làm, người thợ cho đất sét vàng đã nhào mịn nhuyễn vào khuôn và ép thật chặt, rồi dùng lưỡi dao gạt bỏ phần đất thừa. Tượng Táo sau khi lấy ra khỏi khuôn sẽ mang đi phơi khô rồi mới cho vào lò nung.
Gia đình ông Võ Văn Nhật có thâm niên làm tượng Táo quân đã hơn 40 năm ở làng Địa Linh. Mỗi năm, gia đình ông cung cấp ra thị trường khoảng 60.000 tượng. Để kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng mùa Tết, các thành viên trong gia đình, mỗi người một việc, người lớn đảm nhiệm những công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và sức khỏe, trẻ con thì tham gia đóng gói. Ông Nhật chia sẻ: “Tượng Táo quân sau khi được phơi khô ráo sẽ đưa vào lò nung. Mỗi lần nung được khoảng 3.000 tượng, thời gian kéo dài trong gần 1 tuần. Đây là công đoạn quan trọng nhất nên thường giao cho người có kinh nghiệm đảm nhiệm. Lò nung sau khi được nhóm lửa sẽ dùng vỏ trấu ủ. Vì thời gian nung tượng kéo dài nhiều ngày đêm nên mọi người trong nhà phải thay phiên nhau canh lò, để giữ nhiệt độ phù hợp và ổn định nhằm đảm bảo tượng Táo không bị nứt nẻ, màu sắc đẹp.
Bàn tay thoăn thoát lấy đất cho vào khuôn gỗ, bà Lê Thị Vân cho biết, năm nay do thời tiết bất lợi, lũ lụt và mưa rét kéo dài nên người làm nghề nặn tượng cũng khá vất vả. Những ngày lũ lụt công việc bị gián đoạn, sau đó lại mưa rét nên việc phơi tượng khó khăn. Vì vậy, công việc dồn cả vào những tháng cuối năm. Để kịp trả hàng cho thương lái, nhiều lúc cả nhà phải làm việc xuyên đêm.
Những năm gần đây, làng nghề Địa Linh đã thay đổi mẫu mã tượng Táo quân để phù hợp với nhu cầu thực tế. Trước đây, tượng Táo được nung rồi phơi khô là đưa ra thị trường, nay tượng được tô thêm lớp sơn màu hồng hoặc đỏ, rồi thêm bột kim tuyến óng ánh bắt mắt để phù hợp với thị hiếu của người mua. Bà Lê Thị Bé cho biết: “Giá mỗi sản phẩm bán ra chỉ chưa đầy 2.000 đồng. Công việc rất vất vả, tay lấm chân bùn suốt mấy tháng trời, lời lãi tính ra không được nhiều nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm để giữ gìn nghề truyền thống cha ông để lại”.
Tượng ông bà Táo của làng Địa Linh không những phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh mà còn cung ứng cho thị trường các địa phương lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng… Mặc dù chỉ lấy công làm lãi nhưng nhiều gia đình ở Địa Linh vẫn gìn giữ nghề làm tượng Táo quân truyền thống của tổ tiên và phục vụ tục thờ cúng ông Công ông Táo của người Việt.
Theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày đưa tiễn Táo quân về trời. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng nhất dịp cuối năm của người dân Việt. Để bày tỏ lòng thành kính, các gia đình sẽ làm một mâm cơm tiễn các Táo về trời. Cùng với việc chuẩn bị mâm cơm, bàn thờ cũng được các gia đình lau dọn sạch sẽ, tượng Táo được thay mới để cầu một năm may mắn, đủ đầy.
Tại Thừa Thiên – Huế, bắt đầu từ rạng sáng cho đến 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thường làm một mâm cỗ để đưa các Táo về chầu trời. Mâm cỗ cúng của người Huế đơn giản, chỉ có một đĩa xôi trắng, một miếng thịt lợn luộc, ít hoa quả, cau, trầu, rượu. Trước lễ, lư hương được thay cát mới, bàn thờ Táo quân được lau dọn tinh tươm. Sau lễ, tượng Táo cũ bằng đất nung được tiễn khỏi bàn thờ bếp, đưa đến đặt cạnh các am miếu ở đầu xóm, hay ở dưới gốc cổ thụ cạnh ngã ba đường. Tượng Táo mới được rước lên bàn thờ, bắt đầu một năm coi sóc bếp núc cho gia chủ.
Tường Vi