Theo bà Thụy, dong là loại cây dễ trồng, không mất quá nhiều công chăm sóc. Người nông dân chỉ cần lấy gốc để trồng một lần vào tháng 2 và cây sẽ cho thu hoạch lâu dài. Nhưng để cây tươi tốt, cho lá to, đẹp thì vẫn cần những kỹ thuật nhất định, đòi hỏi người trồng phải thường xuyên dọn sạch lá gốc để cho nhiều mầm, lá xanh tốt, rộng bản. Lá dong làng Tràng Cát dáng tròn, mềm và dai, mặt dưới có màu xanh non, nên bánh chưng được gói bằng loại lá này sẽ có màu xanh bắt mắt và ăn có vị thơm ngon.
Người dân Tràng Cát khẳng định rằng chừng nào Việt Nam còn Tết truyền thống thì người Tràng Cát còn giữ nghề truyền thống lá dong |
Sau khi phân loại, lá dong được rửa qua nước sạch, ủ kín để bảo quản được lâu hơn. Điều này sẽ giúp lá bớt bụi bẩn và tăng thêm độ xanh tươi. Tiếp theo là công đoạn phân chia và gom lá thành các bó lớn, 50 hoặc 100 lá/1 bó. Lá dong của làng không chỉ được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội mà còn đưa đi các tỉnh, thành và xuất khẩu sang các nước như Nga, Đức, Australia, Mỹ để phục vụ kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đón Tết. Chính vì thế mà giá trị cây dong cũng được nâng cao hơn.
Chủ tịch UBND xã Kim An Đoàn Văn Huỳnh cho biết, cả làng Tràng Cát hiện có 200 hộ trồng dong, với tổng diện tích 12ha. Thông thường người dân cắt tỉa lá để bán quanh năm. Thu nhập bình quân mỗi sào được từ 25 – 30 triệu đồng/sào/năm. Cây dong góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân mỗi khi Tết đến Xuân về. So với trước kia, diện tích trồng dong đã giảm đi đáng kể do người dân chuyển sang trồng cây ăn quả như cam, bưởi… Tuy nhiên, trong mỗi góc vườn của gia đình người dân Tràng Cát đều có một khoảng nhỏ để trồng lá dong.
Khi được hỏi liệu trong thời gian tới, cây dong có bị thay thế hoàn toàn bởi cây trồng giá trị khác hay không thì hầu hết người dân Tràng Cát đều khẳng định rằng: “Dân tộc Việt Nam còn Tết truyền thống thì người Tràng Cát còn giữ nghề trồng lá dong”. Với chất lượng tốt, lá dong Tràng Cát hứa hẹn sẽ mang đến cho người dân nơi đây nguồn lợi kinh tế cao trong dịp Tết Nguyên đán này.