Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Thông qua 3 Nghị quyết và thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Thông qua 3 Nghị quyết và thảo luận nhiều nội dung quan trọng
Ngày 8/6, Quốc hội bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của Đợt họp thứ 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường Diên Hồng. Phiên họp có sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Đại sứ EU và các đại diện của Đại sứ quán các nước Liên minh châu Âu tại Hà Nội, gồm 18 nước: Pháp, Đức, Italy, Bỉ, Hà Lan, Bungary, Rumani, Ailen, Đan Mạch, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Áo, Thụy Điển, Phần Lan, Séc, Hungary, Ba Lan, Slovakia tại Việt Nam

Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu một số vấn đề về kết quả Quốc hội họp trực tuyến Đợt 1 từ ngày 20-28/5/2020. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội đất nước, trong đó có hoạt động của Quốc hội, nhưng với quyết tâm, trách nhiệm cao trước đồng bào, cử tri cả nước, Quốc hội đã chủ động, kịp thời đổi mới, linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng điều kiện hoàn cảnh thực tế, bảo đảm tiến hành Kỳ họp thứ 9 theo đúng quy định. Lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày, các nội dung đã diễn ra thông suốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng và đạt hiệu quả cao; số lượng đại biểu đăng ký phát biểu tăng lên đáng kể; không khí thảo luận, tranh luận tại nghị trường rất sôi nổi, công khai, dân chủ, được dư luận và cử tri đánh giá cao. Đây là kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu, phát huy, hoàn thiện phương thức họp Quốc hội trong thời gian tới.

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội biểu quyết, thông qua với đa số phiếu tán thành 3 nghị quyết: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA); Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. 

Các nội dung này của phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế quan tâm, theo dõi.

Tiếp theo, Quốc hội đã biểu quyết thông qua bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 9 việc xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác (theo quy trình tại một kỳ họp).

Quốc hội đã nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết này.
Các ý kiến đại biểu đều cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Đồng thời, các đại biểu có ý kiến thêm về: Tính hợp hiến, tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật; việc áp dụng pháp luật để công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA; trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan có liên quan; hiệu lực thi hành của Nghị quyết. 
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan trình dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, báo cáo Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ góp ý vào Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, song năm 2019 kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối đồng bộ tất cả các mục tiêu đã được Quốc hội đề ra. Các đại biểu đã đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020; phân tích rõ về tình hình quốc tế, tác động của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế, xã hội; những vấn đề nổi lên của tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2020...

Về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, thảo luận tại Tổ, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung: Việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2018; công tác quản lý thu, xử lý nợ đọng thuế, chấp hành nghĩa vụ thu nộp ngân sách Nhà nước của người nộp thuế; kết quả thực hiện chi ngân sách Nhà nước năm 2018, tập trung vào một số khoản chi như: chi đầu tư phát triển, chi cho một số lĩnh vực quan trọng (giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, sự nghiệp kinh tế, chi lương hưu và bảo đảm an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia) và chi chuyển nguồn; việc kiểm soát bội chi, quản lý nợ công, các giải pháp để bảo đảm cân đối ngân sách; hiệu quả quản lý ngân sách...

Trao đổi về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các đại biểu góp ý về phạm vi, đối tượng, địa bàn của Chương trình mục tiêu quốc gia; về quan điểm, nguyên tắc, phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; về tổng mức đầu tư và cơ cấu các nguồn vốn, tính khả thi trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia; về nội dung, giải pháp, đề xuất nguồn lực và sự phù hợp, tính khả thi các dự án, tiểu dự án cụ thể trong Chương trình mục tiêu quốc gia...

Đối với việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết tăng vốn điều lệ cho Agribank; về cơ sở pháp lý của việc tăng vốn điều lệ cho Agribank; về tác động của việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ ngân sách nhà nước; về hình thức văn bản…

Ngày mai, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình.
PV
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm