Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 28/5, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là nội dung quan trọng được lãnh đạo địa phương, ban, ngành, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi quan tâm, theo dõi.
Đánh giá sự cần thiết của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, bà Hoàng Thị Đà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) cho rằng: Chương trình được tổ chức thực hiện sẽ cơ bản giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Đó là: Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số theo hướng bền vững; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; đẩy mạnh giảm nghèo nhanh và bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách sự chênh lệch mức sống hiện nay; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, từng bước hình thành các vùng kinh tế trên địa bàn huyện, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo về an ninh trật tự, quốc phòng - an ninh…
Theo ông Đào Văn Mái, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, từ những chương trình đã thực hiện, để đầu tư hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu số cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; có định mức đầu tư, định mức hỗ trợ phát triển sản xuất lớn hơn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng với đó, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; có nguồn lực kinh phí thỏa đáng cho đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn để phát triển sản xuất; các chương trình về chính sách dân tộc phải giao cho cơ quan chuyên trách về công tác dân tộc trực tiếp tham mưu và chỉ đạo thực hiện…
Ông Đào Văn Mái cho rằng, hiện nay ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần tập trung ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực như xây dựng, hoàn thiện hệ thống công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện, trường học… Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng - vật nuôi nhằm giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách hỗ trợ kinh phí để sưu tầm, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số; Bên cạnh đó nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc ngay từ tuyến cơ sở; chất lượng giáo dục, đào tạo, đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số; củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng dân tộc...
Chu Hiệu