Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Phát huy vai trò tự lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Phát huy vai trò tự lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 28/5, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là nội dung quan trọng, được các cấp chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn Trà Vinh rất quan tâm bởi tỉnh này có hơn 310.000 người là dân tộc Khmer, chiếm gần 32% dân số toàn tỉnh.

 Theo ông Hà Thanh Sơn, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, Chương trình này hết sức cần thiết và mang tính kế thừa; được Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành chức năng đánh giá, rà soát để khắc phục những chồng chéo, tích hợp các chính sách, chương trình, dự án thực hiện thời gian qua một cách hiệu quả nhất, sớm rút ngắn khoảng cách về thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho các dân tộc, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Chương trình có sự phân định vùng, miền, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng điểm. Điều quan trọng nhất là, chương trình đã phát huy vai trò tự lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.


Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào Khmer nâng cao đời sống vật chất và tinh thần… Vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có nhiều khởi sắc nhưng theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2019, trong số 9.214 hộ nghèo của toàn tỉnh có hơn 58% là hộ đồng bào dân tộc Khmer. Điều này cho thấy, so với mặt bằng chung, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số địa phương vẫn còn khá khó khăn, thiếu hụt nhiều dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở… Chính vì vậy, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer là một trong những nhiệm vụ tỉnh Trà Vinh luôn ưu tiên thực hiện.

Đồng bào Khmer Trà Vinh phần lớn cư trú ở địa bàn nông thôn, nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, nền nông nghiệp của tỉnh thường xuyên bị tác động bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Vì vậy, tỉnh rất cần nguồn lực để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc Khmer địa phương, hỗ trợ bà con về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Vì vậy, cùng với việc ban hành chính sách, Trung ương cần gắn với việc phân bổ nguồn lực để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số kịp thời. Bên cạnh đó, chính sách cần có sự hướng dẫn của ngành chức năng, khi tổ chức triển khai phải tập trung về một đầu mối, tránh dàn trải, trùng lắp, một chính sách nhiều cơ quan, nhiều ngành cùng làm dẫn đến vướng mắc, khó tổng hợp đánh giá hiệu quả.

Ông Hà Thanh Sơn tin tưởng rằng, với những giải pháp cụ thể trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ khơi dậy ý thức tự lực vươn lên trong cuộc sống, tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số thi đua lao động sản xuất, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào mình. Từ đó, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về kinh tế, đời sống xã hội giữa các dân tộc ở Việt Nam.

Đồng quan điểm phải tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú Lê Hồng Phúc cho rằng, một trong những mấu chốt để giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững là phải tạo cho họ có được “cần câu cơm”, chứ không chỉ là những hỗ trợ trực tiếp trước mắt, tạm thời. Chính vì vậy, địa phương luôn chú trọng việc xây dựng các mô hình sinh kế bền vững thích ứng biến đổi khí hậu và khuyến khích đồng bào Khmer nhân rộng.

Trà Cú là huyện vùng sâu của tỉnh Trà Vinh, tổng dân số hơn 156.000 người; trong đó, đồng bào Khmer chiếm hơn 62%. Đây là địa phương có tỷ lệ đồng bào Khmer cao nhất tỉnh. Được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp lồng ghép đồng bộ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách an sinh xã hội nên bộ mặt nông thôn các xã vùng sâu, vùng khó khăn có nhiều đổi mới. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2019 của huyện đạt 40,52 triệu đồng/người/năm, tăng 28 triệu/người/năm so với năm 2011. Cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của huyện hơn 33%, đến cuối năm 2019 chỉ còn 4,6%. Tuy vậy, số hộ Khmer nghèo của huyện còn khá cao so với mặt bằng chung. Toàn huyện còn 1.870 hộ nghèo; trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer chiếm đến 1.327 hộ.

So với các địa phương khác, Trà Cú có có xuất phát điểm kinh tế thấp, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đây cũng là nơi bị tác động bởi biến đổi khí hậu nặng nhất tỉnh, thường xuyên bị mặn xâm nhập nội đồng gây thiếu nước tưới trầm trọng. Vào mùa khô, các cống điều tiết nước trên địa bàn phần lớn phải đóng triệt để ngăn mặn, nguồn nước tưới tiêu phải phụ thuộc vào huyện Cầu Kè, với lưu lượng “nhỏ giọt”. Vì vậy, người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất.

Để các chính sách dân tộc thực thi trên địa bàn đạt hiệu quả cao, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nhanh chóng được cải thiện, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú Lê Hồng Phúc mong muốn, cùng với những chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình, Trung ương quan tâm đầu tư hạ tầng thủy lợi địa phương, xây dựng các công trình ngăn mặn, trữ ngọt; tập trung nguồn lực hỗ trợ địa phương xây dựng các mô hình sinh kế bền vững thích ứng biến đổi khí hậu để người dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm