Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 28/5, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Người dân Lào Cai đều có chung kỳ vọng Chương trình được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững.
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới gồm 25 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 66,2% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 37/164 xã thuộc khu vực II, 102/164 xã thuộc khu vực III và 2 xã biên giới được thụ hưởng các chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Theo bà Trang Thị Xinh, dân tộc Giáy, nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai khóa X (1997-2002) và khóa XI (2002-2007), trong giai đoạn mới, rất cần một chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số có thể giải quyết căn cơ hơn một số vấn đề đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thay vì chính sách hỗ trợ như từ trước đến nay.
Bà Trang Thị Xinh cho biết: “Chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đã góp phần quan trọng giúp đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng sâu vượt qua những giai đoạn khó khăn thiếu thốn về vật chất cùng đời sống tinh thần. Để phát triển bền vững vùng nông thôn miền núi này, các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng một chiến lược phát triển căn cơ, bao gồm tổng quát toàn bộ 118 chính sách dân tộc thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Như vậy, mới có thể tạo nên bước ngoặt lịch sử cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc ở nước ta”.
Ông Lý Sành On, dân tộc Dao, cán bộ hưu trí cư trú tại Tổ 32, phường Kim Tân cho biết, chương trình này sẽ có những đóng góp quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu được xác định trong Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội, với quan điểm đột phá là phải đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi thay vì hỗ trợ như trước đây. Bởi đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số chính là đầu tư cho phát triển bền vững và đảm bảo quốc phòng, an ninh của quốc gia.
Theo ông Lý Sành On, chương trình này đặt ra những mục tiêu rất cụ thể từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030 như: Đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hàng năm giảm trên 3%; phát triển bền vững sinh kế, tăng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số lên hơn 2 lần so với năm 2020; phấn đấu giảm trên 60% số xã, thôn đặc biệt khó khăn so với tiêu chí năm 2020. Chương trình định hướng mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới...
"Đây là những mục tiêu cụ thể, là cơ sở vững chắc để chúng ta đạt được mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào nói riêng và kinh tế - xã hội đất nước nói chung trong giai đoạn phát triển mới", ông Lý Sành On cho hay.
Nói về việc cần thiết phải thực hiện lâu dài sự quan tâm đầu tư đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà Trang Thị Xinh phân tích thêm: Do miền núi vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những đặc thù riêng về địa lý, về phong tục tập quán nên cần thiết kế chính sách dân tộc là một hợp phần độc lập trong hệ thống chính sách quốc gia. Việc làm cấp thiết là tập trung vào các giải pháp cơ bản về quy hoạch dân cư kết hợp với xây dựng kết cấu hạ tầng cấp xã, thôn bản phục vụ ổn định đời sống và phát triển sản xuất; chính sách đặc thù cho các dân tộc thiểu số rất ít người và các dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, phát triển nguồn nhân lực; các giải pháp tạo sinh kế, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp dựa trên sự đa dạng về văn hóa và khai thác lợi thế vùng, miền.
Theo ông Lý Sành On: "Từ trước đến giờ, chúng ta đã có rất nhiều chính sách, rất nhiều chương trình, dự án dành cho khu vực này nhưng vẫn còn thiếu một nhạc trưởng điều phối chiến lược phát triển cho khu vực này một cách hiệu quả. Vì vậy, đây chính là giải pháp, là việc chúng ta cần phải ủng hộ làm ngay, thực hiện ngay”. Do đó, việc xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia riêng dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi tích hợp được các chương trình, chính sách liên quan đến vùng là hết sức cần thiết, để thu gọn đầu mối quản lý, đảm bảo việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Cử tri Lào Cai phấn khởi, tin tưởng rằng nếu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được ban hành, sẽ tạo nên bước ngoặt lịch sử cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc ở nước ta trong thời gian tới.
Hương Thu