Kon Tum có thêm hai sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao

Kon Tum có thêm hai sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vừa thông báo kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh năm 2024 (đợt 1); trong đó, có hai sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao là Rượu Sâm Ngọc Linh K5 Premium và Rượu Quốc tửu K5 của Công ty cổ phần Vingin.

vna_potal_kon_tum_co_them_hai_san_pham_ocop_tiem_nang_5_sao_7426908.jpg
Rượu Quốc tửu K5 được đánh giá tiềm năng OCOP 5 sao cấp tỉnh. Ảnh: TTXVN phát

Cụ thể, sản phẩm Rượu Sâm Ngọc Linh K5 Premium được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Kon Tum chấm 91,75 điểm; Rượu Quốc tửu K5 đạt 91,88 điểm. Hội đồng OCOP tỉnh Kon Tum giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kết quả chấm điểm đối với hai sản phẩm có tiềm năng đạt hạng 5 và dự thảo văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng đối với sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt hạng năm 5 sao; đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.

Cùng với hai sản phẩm trên, 6 sản phẩm khác cũng được công nhận đủ điều kiện đạt sản phẩm OCOP 4 sao gồm Rượu Thảo Mộc PyLo Măng Đen 18, Rượu Thảo Mộc PyLo Măng Đen 12 (Sâm & Dược liệu rừng Măng Đen – Chi nhánh Công ty Cổ phần PYLOHERB); Vang Sim rừng Măng Đen 1, Vang Sim rừng Măng Đen (Công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn); Chuối sấy Joy, Mít sấy OHJOY! (Công ty TNHH APANAX).

Dù là những sản phẩm được đánh giá cao về mặt chất lượng, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Kon Tum nhận định, một số sản phẩm có bao bì chưa thực sự ấn tượng, sang trọng; các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm của một số cơ sở còn hạn chế; câu chuyện sản phẩm chưa được chú trọng, chưa gắn với ý tưởng và thế mạnh của sản phẩm… Vì vậy, các đơn vị cần cải thiện thêm về bao bì, sự đa dạng, tiện lợi về đóng gói sản phẩm gắn với thị hiếu của người tiêu dùng và thị trường; năng lực về quản trị, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cần được nâng cao, đáp ứng các yêu cầu mở rộng sản xuất, thị trường tiêu thụ…

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng đề nghị các chủ thể có sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng cấp tỉnh năm 2024 (đợt 1) đạt hạng 4 sao và có tiềm năng đạt hạng 5 sao có trách nhiệm tổ chức quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm theo đúng Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP; tiếp tục nâng cao chất lượng, chuẩn hóa sản phẩm đối với các nội dung còn hạn chế để tiếp tục đăng ký thi nâng hạng sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP quốc gia theo đúng quy định.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, hiện toàn tỉnh có 236 sản phẩm OCOP; trong đó, có một sản phẩm 5 sao, 8 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 20 sản phẩm 4 sao và 207 sản phẩm 3 sao. Đối với các sản phẩm tiềm năng 5 sao, tỉnh Kon Tum đã gửi hồ sơ ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đánh giá, phân hạng cấp quốc gia và đang chờ kết quả.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm