Trong nhiều năm qua, các vụ núi lửa phun trào ở quy mô vừa phải đã góp phần làm giảm nhiệt độ Trái Đất. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố ngày 12/8 cho thấy biến đổi khí hậu có thể làm tăng hiệu ứng làm mát khí quyển của các vụ phun trào núi lửa lớn xảy ra một lần trong 100 năm, song cũng làm giảm hiệu ứng này của các vụ phun trào quy mô nhỏ hơn.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Cambridge và Cơ quan Khí tượng Anh đã xem xét việc nhiệt độ tăng cao có khả năng ảnh hưởng như thế nào đến lượng tro bụi và khí do núi lửa thải vào khí quyển. Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Nature Communications, đã sử dụng các mô hình khí hậu và núi lửa để dự đoán những thay đổi trong tương lai. Công trình này cũng đánh giá lại tác động trên toàn thế giới của vụ phun trào núi Pinatubo ở Philippines vào năm 1991. Vụ phun trào lớn thứ hai trong thế kỷ 20 này đã giải phóng tro bụi và khí khổng lồ, tạo ra một lớp khói mù khiến nhiệt độ toàn cầu giảm tới 0,5 độ C vào năm sau đó.
Các tác giả nghiên cứu đã phát hiện biến đổi khí hậu sẽ giúp lượng tro bụi và khí có quy mô ngang với vụ phun trào núi lửa Pinatubo dâng cao hơn nữa vào bầu khí quyển, từ đó giúp tản bớt nhiệt lượng từ Mặt Trời chiếu vào Trái Đất và cũng giúp đẩy nhanh việc phân tán aerosol. Aerosol là những vi hạt lơ lửng trong không khí ở dạng keo và có tác dụng làm mát vì phản chiếu ánh nắng Mặt Trời qua trở lại vũ trụ. Hoạt động này sẽ giúp tăng hiệu ứng làm mát trên trên toàn thế giới lên tới 15%. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý hiệu ứng làm mát của núi lửa phun trào chỉ tồn tại trong 1 hoặc 2 năm, trong khi khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người gây ra sẽ ảnh hưởng đến khí hậu trong nhiều thế kỷ. Ngoài ra, đối với những vụ phun trào núi lửa có quy mô nhỏ hơn tương tự vụ phun trào núi lửa Nabro năm 2011 ở Eritrea, vốn có xu hướng xảy ra hàng năm, hiệu ứng làm mát sẽ giảm khoảng 75% trong kịch bản nhiệt độ Trái Đất tăng 4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo các nhà khoa học, điều này là do độ cao của tropopause – một điểm trong bầu khí quyền nằm giữa tầng bình lưu (ở phía trên) và tầng đối lưu (ở phía dưới) – được dự báo sẽ tăng lên, khiến các chùm tro bụi khó có thể tiếp cận tầng bình lưu hơn. Các hạt aerosol từ tro bụi núi lửa giải phóng bị “mắc kẹt” trong tầng đối lưu và do đó bị “rửa trôi” do mưa trong vài tuần. Điều này khiến hiệu ứng làm mát Trái Đất và tác động đến biến đổi khí hậu sụt giảm đáng kể và chỉ mang tính cục bộ hơn.
Trước đó, Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã công bố báo cáo đánh giá toàn diện nhất từ trước tới nay về biến đổi khí hậu, qua đó đưa ra những lời cảnh tỉnh ở mức cao nhất cho loài người. Báo cáo vạch ra những kịch bản có thể xảy ra trong tương lai, tùy thuộc vào việc thế giới cắt giảm khí thải mạnh tới mức nào. Theo IPCC, các hoạt động của con người đã làm nhiệt độ toàn cầu tăng lên hơn 1 độ C kể từ năm 1850 và dự báo sẽ tăng 1,5 độ C vào khoảng năm 2030 - sớm hơn một thập niên so với dự báo trước đó. Theo IPCC cho biết dự báo này dựa trên kịch bản không có vụ núi lửa phun trào lớn nào xảy ra trong thập niên tới, nhấn mạnh hiệu ứng làm mát của hiện tượng này chỉ mang tính tạm thời.
Phương Oanh