Băng trên Trái Đất đang tan nhanh hơn so với giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, chủ yếu do biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao.
Trong công trình nghiên cứu công bố ngày 25/1 trên tạp chí The Cryosphere, các nhà khoa học cho biết ước tính 28.000 tỷ tấn băng trên thế giới đã tan chảy kể từ 3 thập kỷ trước. Tốc độ tan băng mỗi năm hiện nay nhanh hơn khoảng 57% so với thời điểm đó.
Lượng nước do băng tan tại Nam Cực, Greenland và các sông băng trên núi trong 3 thập kỷ qua đã khiến mực nước biển trung bình trên toàn cầu dâng thêm 3,5 cm. Lượng băng tan từ các sông băng trên núi chiếm 22% tổng khối lượng băng thất thoát hằng năm. Đồng tác giả nghiên cứu, chuyên gia nghiên cứu sông băng tại Đại học Leeds (Anh) Thomas Slater, cho rằng đây là điều đáng lưu tâm, bởi trên thực tế lượng băng này chỉ chiếm khoảng 1% lượng băng trên đất liền.
Trên khắp Bắc Cực, diện tích băng biển trong mùa Hè cũng bị thu hẹp xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Năm 2020 chứng kiến lượng băng phục hồi trên biển của khu vực này đạt mức thấp thứ hai trong 40 năm qua kể từ khi các số liệu bắt đầu được theo dõi bằng vệ tinh.
Nhiệt độ khí quyển trên Trái Đất đã tăng 1,1 độ C kể từ thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, tại Bắc Cực, tốc độ ấm lên đã tăng gấp hơn hai lần so với tốc độ trung bình trên toàn cầu trong 30 năm qua.
Dựa vào dữ liệu vệ tinh từ năm 1994-2017, các biện pháp đo đạc tại chỗ và mô phỏng trên máy tính, nhóm các nhà khoa học Anh đã tính toán được rằng thế giới mất đi trung bình 800 tỷ tấn băng/năm trong thập niên 1990, nhưng con số này đã tăng lên 1.200 tỷ tấn băng trong vài năm gần đây.
Trong báo cáo Khảo sát Địa chất và Địa vật lý tại khu vực Alaska, chuyên gia địa chất Gabriel Wolken nhận định việc tính toán cả tổng lượng băng mất đi từ các sông băng, dải băng và băng tại hai cực cũng là một cách tiếp cận đáng chú ý và cần thiết. Chuyên gia Wolken cho rằng, tại Alaska, mọi người đều "nhận thức rõ" tình trạng sông băng biến mất, thậm chí có thể quan sát hiện tượng này bằng mắt thường.
Minh Tuấn