Khẳng định thương hiệu gà Lạc Thủy

Gà trống ri Lạc Thủy lông đỏ đậm màu mận chín, trọng lượng trên dưới 2 kg, chân nhỏ, da vàng, cho chất lượng thịt thơm, ngọt và dễ nuôi, dễ tiêu thụ. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN
Gà trống ri Lạc Thủy lông đỏ đậm màu mận chín, trọng lượng trên dưới 2 kg, chân nhỏ, da vàng, cho chất lượng thịt thơm, ngọt và dễ nuôi, dễ tiêu thụ. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Gà ri Lạc Thủy từ lâu đã là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, là sản phẩm OCOP 4 sao (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Hòa Bình. Việc phát triển chăn nuôi đàn gà ri Lạc Thuỷ đã mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần khẳng định được thương hiệu nông sản đặc trưng, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Khẳng định thương hiệu gà Lạc Thủy ảnh 1Gà ri lạc Thủy đang được nuôi và duy trì nguôn gen tại Hợp tác xã hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng, xã Yên Bình, huyện Lạc Thủy. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện Lạc Thủy có gần một triệu con gà bản địa được nuôi gà theo mô hình sản xuất an toàn. Có trên 18 cơ sở ấp nở, mỗi cơ sở ấp nở quy mô từ 2 - 40 máy với công suất 10.000 con - 20.000 con/máy. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương huyện Lạc Thủy tích cực triển khai các giải pháp để duy trì nguồn gen, mở rộng diện tích nuôi gà; bảo đảm ổn định đầu ra; thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; đồng thời tìm các giải pháp phát triển thương hiệu gà Lạc Thủy, mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều hộ nông dân.

Giống gà Lạc Thủy là giống gà ri bản địa của vùng Lạc Thủy, Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Gà có bộ lông mọc sớm nên sức chống chọi thời tiết tốt, thích hợp nuôi cả 4 mùa trong năm, mẫu mã đẹp, con trống có trọng lượng thành phẩm đạt từ 2,0 – 2,4 kg, mào cờ, tích đỏ to màu lông đỏ sẫm và đen, chân vàng có sọc tía đỏ. Con mái đạt trọng lượng 1,7 – 1,8 kg màu lông có màu lá chuối khô. Gà chăn nuôi tốt ở phương thức nuôi nhốt và chăn thả, thích hợp với quy mô nuôi hộ gia đình, trang trại và gia trang trại, giống gà này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu Gà Lạc Thuỷ.

Khẳng định thương hiệu gà Lạc Thủy ảnh 2Gà trống ri Lạc Thủy lông đỏ đậm màu mận chín, trọng lượng trên dưới 2 kg, chân nhỏ, da vàng, cho chất lượng thịt thơm, ngọt và dễ nuôi, dễ tiêu thụ. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Hiện nay trên địa bàn huyện có một số hợp tác xã chăn nuôi gà, điển hình là Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng, Hợp tác xã Chăn nuôi gà Lạc Thủy tại xã An Bình. Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng có 65 thành viên, hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 1,2 triệu con giống, gần 60 vạn con gà hữu cơ, khoảng 50 vạn quả trứng... Ngoài ra, hợp tác xã còn chế biến các sản phẩm từ gà như trứng gà muối ăn liền, ruốc gà... cung cấp cho một số cửa hàng nông sản sạch tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình…

Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng, bà Trần Thị Thắm cho biết, hợp tác xã áp dụng mô hình chăn nuôi theo chuỗi với các hộ nuôi vệ tinh. Các hộ thành viên hợp tác xã và các hộ chăn nuôi gà đẻ trứng, sau đó sẽ thu mua lại trứng gà để ấp nở tại các lò ấp, số gà nở ra sẽ lại được cung cấp cho các thành viên và nhân dân quanh vùng. Khâu cuối cùng, hợp tác xã sẽ thu mua lại sản phẩm gà thịt, gà thành phẩm của các hộ dân để cung ứng cho các thị trường.

Khẳng định thương hiệu gà Lạc Thủy ảnh 3Trứng gà ri Lạc Thủy được ấp tại Hợp tác xã hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Những năm qua Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng đã tham gia vào chuỗi sản xuất gà sạch hữu cơ an toàn sinh học VietGAP, thực hiện chuỗi khép kín từ khâu sản xuất con giống đến khâu sản xuất, chế biến gà thương phẩm đưa ra thị trường. Nhiều đàn gà được nuôi thả với mô hình nuôi gà dưới tán rừng cây gỗ lớn cùng nguồn thức ăn bằng cám thảo mộc do hợp tác xã tự sản xuất đã cho kết quả tốt với hình dáng, lông, mào đẹp hơn; thời gian nuôi ngắn hơn và đặc biệt gà ít bệnh lớn nhanh tiêu tốn ít thức ăn, thịt gà thơm ngon, rắn chắc.

Với giá bán gà thành phẩm ra thị trường trung bình từ 85.000 - 90.000 đồng/kg, lúc khan hiếm có thể đạt 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí các hộ thành viên thu lãi từ 40 - 50 triệu đồng/1.000 con gà đã tạo ra công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống cho các thành viên hợp tác xã và người dân tại địa phương.

Ông Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Thủy cho biết, hiện nay trên địa bàn có nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm theo chuỗi khép kín, hướng đến bền vững định hình thương hiệu. Mô hình chăn nuôi gà của các Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng hay Hợp tác xã Chăn nuôi gà Lạc Thủy tại xã An Bình, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã góp phần duy trì và phát triển nguồn gen quý của giống gà ri bản địa Lạc Thủy, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp chất lượng này ra các thị trường tiềm năng trong nước, giúp nhân dân trong huyện tăng thu nhập, ổn định và phát triển kinh tế gia đình... Tuy nhiên, để phát triển thương hiệu gà Lạc Thủy, các hộ nuôi và sản xuất cần tuân thủ quy trình nuôi, thu hoạch, bảo quản thực phẩm nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có thương hiệu

Khẳng định thương hiệu gà Lạc Thủy ảnh 4Đàn gà con đang được úm nuôi trước khi cung cấp cho các hộ thành viên HTX hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng xã Yên Bình. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Khó khăn hiện nay là các sản phẩm gà Lạc Thủy chủ yếu được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ do các đơn vị chăn nuôi tự tìm kiếm thị trường, tình trạng thiếu vốn cho các hoạt động sản xuất chăn nuôi của các Hợp tác xã trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19. Việc tiếp cận được các nguồn vốn từ các dự án, các ngân hàng, các tổ chức xã hội của các hợp tác xã, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Lạc Thủy gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở sản xuất giống gà Lạc Thủy đã tự ý lại tạo giống gà có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn gen, làm mất và ảnh hưởng đến thương hiệu gà Lạc Thủy, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm nông sản tại địa phương còn yếu và thiếu.

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định phê duyệt, công nhận sản phẩm gà tươi nguyên con Lạc Thủy là sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, điều này đã mở ra cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, việc quảng bá và tìm được các thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị trong tỉnh và các tỉnh thành khác vẫn còn khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay thì việc lưu thông vận chuyển tiêu thụ hàng hóa vẫn là một bài toàn khó đối với ngành chăn nuôi của các hợp tác xã chăn nuôi và hộ kinh doanh trên toàn tỉnh.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ban ngành liên quan, tiếp tục áp dụng biện pháp sản xuất chăn nuôi theo hướng an toàn VietGAP; tăng số lượng sản phẩm OCOP địa phương, tăng cường tìm kiếm thị trường, hợp tác với các đơn vị phân phối nhằm thúc đẩy việc liên kết và tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định đầu ra cho các hợp tác xã và hội nuôi; kêu gọi và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng bảo quản và chế biến các sản phẩm gà ri Lạc Thủy, đồng thời duy trì và phát triển thương hiệu Gà Lạc Thủy, xứng đáng là đặc sản địa phương chất lương cao của tỉnh Hòa Bình.

Trọng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm