Khẳng định thương hiệu chè đặc sản Shan tuyết Na Hang

Khẳng định thương hiệu chè đặc sản Shan tuyết Na Hang

Huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 1.300 ha chè Shan tuyết, được trồng chủ yếu ở các xã Sinh Long, Hồng Thái và Sơn Phú. Niềm vui lớn đến với người trồng chè nơi đây khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa ký quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang, qua đó, mở ra hướng phát triển “đột phá” mới cho người trồng chè nơi đây.

Khẳng định thương hiệu chè đặc sản Shan tuyết Na Hang ảnh 1Sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Quang – TTXVN

Theo tìm hiểu những cây chè Shan tuyết ở huyện Na Hang có từ rất lâu đời. Năm 2000, để phát huy tiềm năng, đồng thời thực hiện phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện dự án trồng rừng bằng chè Shan tuyết. Đến nay, những vùng trồng chè nơi đây đang phát triển rất tốt, đặc biệt có những cây chè cổ thụ cao từ 5 đến 7 m, tán rộng hàng chục m2…

Khẳng định thương hiệu chè đặc sản Shan tuyết Na Hang ảnh 2 Đóng gói sản phẩm chè Shan tuyết ở HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Quang – TTXVN

Nhận thấy giá trị và tiềm năng của vùng chè Shan tuyết nơi đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, đầu tư dây chuyền chế biến chè... Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) là một điển hình. Năm 2014, Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái được thành lập, hoạt động 2 lĩnh vực là sản xuất, chế biến chè và sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, Hợp tác xã sản xuất và bán ra thị trường hơn 9 tấn chè khô các loại, thu về khoảng 4,4 tỷ đồng. Hiện hợp tác xã đang liên kết sản xuất, tạo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho 136 hộ dân trên địa bàn huyện Na Hang; thu nhập bình quân của các hộ đạt từ 5 - 9 triệu đồng/hộ/tháng.

Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà cho biết, điều đặc biệt về sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà là “ba không”, cây chè của địa phương được thiên nhiên ưu ái không có sâu bệnh, cây sinh trưởng tốt; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không pha chế, ướp hương liệu. Do vậy, chè sản xuất ra đến đâu đều được tiêu thụ hết.

Còn theo ông Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, do được trồng ở độ cao 800-1.000 m so với mực nước biển, với tiểu vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, bốn mùa mây phủ, nên cây chè Shan tuyết ở huyện Na Hang (Tuyên Quang) có mùi thơm rất đặc trưng, vị đậm, nước xanh. Đặc biệt, toàn bộ các khâu sản xuất từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến… đều đảm bảo chất lượng chè sạch. Chè Shan tuyết cũng đang là cây trồng chủ lực của địa phương và trở thành một trong những sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao của tỉnh Tuyên Quang.

Ông Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, việc sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang được đón nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ là tiền đề cho việc phát triển bền vững sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương và trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, thương hiệu chè Shan tuyết hơn nữa, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tham gia hỗ trợ đầu tư và liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo dựng được mô hình doanh nghiệp xuất khẩu chè gắn với người trồng chè, lợi nhuận của doanh nghiệp gắn với lợi ích người trồng chè.

Khẳng định thương hiệu chè đặc sản Shan tuyết Na Hang ảnh 3 Người dân xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang thu hái chè Shan tuyết. Ảnh Vũ Quang – TTXVN

Đồng thời, quản lý vùng nguyên liệu chè tập trung trên cơ sở thực hiện liên kết sản xuất giữa người dân với các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến chè thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, có xác nhận của chính quyền địa phương. UBND các xã chịu trách nhiệm tổ chức việc phân vùng nguyên liệu và chỉ đạo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa tổ chức, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè với người trồng chè, có như vậy các sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang mới tạo chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, chinh phục được cả các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu trong tương lai...

Cùng với đó, huyện khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất, đồng thời, tăng cường quảng bá thương hiệu, tuyên truyền và quản lý việc trồng, chăm sóc, chế biến theo tiêu chuẩn chè sạch… đưa cây chè Shan tuyết phát triển bền vững và là cây trồng chủ lực của địa phương, qua đó góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp huyện Na Hang từ nay đến năm 2025 tăng trưởng bình quân trên 4%/năm.

Vũ Quang Đán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm