Hiệu quả sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại Thái Nguyên

Thu hái chè tại vùng chè Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN
Thu hái chè tại vùng chè Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên) nổi tiếng với vùng chè đặc sản Tân Cương đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Tại đây, người trồng chè trên vùng đất “đệ nhất danh trà” đang nỗ lực chuyển đổi trồng chè từ lối canh tác thông thường sang phương pháp hữu cơ, đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường, người tiêu dùng theo xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.

Hiệu quả sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại Thái Nguyên ảnh 1Thu hái chè tại vùng chè Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Được sự vận động, hướng dẫn của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên, đầu năm 2019, gia đình bà Tống Thị Kim Thoa ở xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên đã chuyển toàn bộ 1,5 ha chè sang canh tác theo phương pháp hữu cơ. Canh tác chè theo phương pháp hữu cơ, các loại phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật hoá học… được thay thế hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học EM và thuốc trừ sâu sinh học thảo mộc.

Bà Tống Thị Kim Thoa chia sẻ, việc đầu tiên khi bắt tay vào chuyển đổi sang canh tác hữu cơ là cải tạo lại đất. Bởi vì, trước đây cây chè đang được trồng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống phun tưới hóa chất, bón phân hóa học, dư lượng hóa chất còn tồn đọng trong đất. Các chất dinh dưỡng trong đất bị mất đất trở nên khô cứng làm quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của chè bị kém, cần quá trình cải tạo lại đất, bổ xung các chất dinh dưỡng hữu cơ vào đất cho cây.

Tiếp theo là các quy trình ủ phân hữu cơ từ các nguyên liệu như rơm rạ, thân lá cây ngô, lạc, đậu đỗ sau thu hoạch, cây phân xanh, lạc, trấu, và các loại phân gia súc, gia cầm... đồng thời kèm theo sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ, thuốc trừ sâu thảo mộc để sử dụng cho cây chè.

Sau một năm chuyển đổi, từ canh tác chè thông thường sử dụng chủ yếu là các loại phân bón và thuốc trừ sâu hóa học sang canh tác chè hữu cơ sử dụng chủ yếu các loại phân bón và chế phẩm hữu cơ vi sinh, chị Thoa nhận thấy năng suất chè giảm từ 20-30%. Tuy nhiên, từ năm thứ hai trở đi, sau một thời gian sử dụng đủ và đều các loại phân bón và chế phẩm nguồn gốc hữu cơ, năng suất chè bắt đầu được hồi phục, có xu hướng tăng từ 10-15%.

Đặc biệt, từ kinh nghiệm trồng chè lâu năm chị nhận thấy, đất trên các nương chè đã tơi xốp, nhiều mùn, cải thiện hệ vi sinh vật trong đất làm cho bộ rễ phát triển khỏe, khả năng hấp thu dinh dưỡng tốt hơn rất nhiều… từ đó mà cây chè khỏe hơn, phiến lá chè dày hơn, búp chè mập và non lâu, khi chế biến có độ dính cao. Khi pha màu nước xanh trong, nước chè sánh, ánh bóng, chè có vị chát hậu ngọt, hương thơm mùi cốm đậm hơn, màu nước xanh hanh vàng.

Tiếng lành đồn xa, sản phẩm trà hữu cơ của gia đình chị Thoa sản xuất ra được người tiêu dùng, thị trường đón nhận, các hộ dân trong vùng đến học tập và làm theo. Tháng 10/2020, chị Thoa thành lập Hợp tác xã chè với 8 thành viên là các hộ dân trong vùng để sản xuất chè hữu cơ, nâng diện tích chè canh tác theo phương pháp hữu cơ lên trên 5 ha.

Nằm tại vùng lõi của vùng chè đặc sản Tân Cương, Hợp tác xã chè Trung du Tân Cương, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương cũng đang canh tác vườn chè trung du theo hướng hữu cơ. Ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc Hợp tác xã chè Trung du Tân Cương cho biết, sau một thời gian canh tác chè hữu cơ với việc loại bỏ hoàn toàn các loại hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật hoá học… để chuyển sang sử dụng các loại thuốc trừ sâu thảo mộc, sinh học thì các loại sâu, rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ… gây hại làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất chè. Bên cạnh đó, bệnh thối búp và chấm xám cũng gây hại và ảnh hưởng nhiều hơn so với trước đây, ở mức từ 10- 20%.

Nhưng sang năm thứ hai do hệ vi sinh vật trong đất hoạt động mạnh, đất tơi xốp, bộ rễ khỏe, cây cũng khỏe hơn kết hợp với các loại thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học và thảo mộc nên sự gây hại của các đối tượng sâu bệnh giảm đi nhiều, chỉ còn ở mức từ 5- 10% và không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng chè.

Đặc biệt, hệ sinh thái nương chè bắt đầu có sự thay đổi, môi trường sản xuất và môi trường sống được cải thiện, nâng cao sức khỏe cho chính người sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội thông qua quá trình canh tác an toàn thân thiện với thiên nhiên.

Bà Ngô Thị Mai Hương, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên cho biết, qua hạch toán kinh tế chúng tôi thấy sản xuất chè hữu cơ lợi nhuận không thấp hơn so với sản xuất thông thường mà giá trị lớn nhất là chúng ta tạo được sản phẩm thực sự an toàn nâng cao giá trị sản phẩm đem lại sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Ngoài sản phẩm chè búp tươi thu được, chè hữu cơ còn thu được các sản phẩm như lá bánh tẻ, lá già để chế biến ra các dòng sản phẩm khác nên giá trị sẽ cao hơn nhiều so với sản xuất thông thường.

Thành phố Thái Nguyên hiện có trên 1.500 ha chè; trong đó, có vùng chè đặc sản Tân Cương nổi tiếng. Cây chè đã được người dân canh tác theo quy trình VietGAP, nhưng việc sản xuất chè theo hướng hữu cơ còn hạn chế.

Hiện, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên đang đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với các Hợp tác xã chè để nhân rộng vùng sản xuất chè hữu cơ để làm bước đệm cho việc xây dựng vùng chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 11041-2:2017 với mục đích ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 11041-2:2017.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành của thành phố Thái Nguyên cũng tích cực xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trà sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng… Từ đó, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và thu nhập của người sản xuất tăng từ 10% trở lên. Đồng thời, nhân rộng sản xuất hữu cơ giúp người dân có một phương thức sản xuất nông nghiệp mới thân thiện với tự nhiên và môi trường góp phần bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.

Trần Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm