Nâng giá trị thương hiệu chè Thái Nguyên

Nâng giá trị thương hiệu chè Thái Nguyên

Với diện tích đạt trên 22.400 ha, chè là cây đặc sản chủ lực của Thái Nguyên nên tỉnh luôn chú trọng phát triển sản phẩm, xây dựng, quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao giá trị cho cây chè, tăng thu nhập cho nhân dân.

Nâng giá trị thương hiệu chè Thái Nguyên ảnh 1Vùng chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Tỉnh có 1 thương hiệu địa phương dưới hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Chè Tân Cương" Thái Nguyên; 7 thương hiệu dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm: nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, “Chè La Bằng”, “Chè Trại Cài”, “Chè Vô Tranh”, “Chè Tức Tranh”, “Chè Đại Từ‘ và Nhãn hiệu tập thể “Chè Phổ Yên”.

Hợp tác xã chè La Bằng (xã La Bằng, huyện Đại Từ) hiện đang canh tác 30 ha chè theo quy trình VietGAP và chè hữu cơ. Hiện tại hợp tác xã đang sử dụng song song hai nhãn hiệu tập thể là “chè Thái Nguyên” và “chè La Bằng”. Năm 2017, sản phẩm trà của Hợp tác xã chè La Bằng được chế biến theo quy chuẩn VietGAP đã được lựa chọn làm quà tặng cho đại biểu quốc tế dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.

Bà Nguyễn Thị Hải - Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng cho biết, nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” là thương hiệu nổi tiếng lâu đời của tỉnh. Từ nhãn hiệu này mà thị trường sẽ biết đến nhãn hiệu khác của các huyện, xã, làng nghề. Khi sử dụng nhãn hiệu tập thể đã đăng ký, được nhà nước bảo hộ thì chúng tôi phải có trách nhiệm phát huy giá trị bằng cách xây dựng lên các vùng chè an toàn, tạo ra sản phẩm trà chất lượng cao.

Nằm trong Vùng chè đặc sản Tân Cương, Hợp tác xã chè Kim Thoa (xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên) hiện đang canh tác hơn 5 ha chè theo phương pháp hữu cơ. Bà Tống Thị Kim Thoa - Giám đốc Hợp tác xã chè Kim Thoa cho biết, họ đang sử dụng nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” và chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương. Đây là hai thương hiệu nổi tiếng tại vùng đất “Đệ nhất danh trà” Thái Nguyên. Hai thương hiệu này đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân, cũng như đưa trà Thái Nguyên đi khắp mọi miền đất nước và thế giới.

Tại Cuộc thi Chè quốc tế năm 2016 được tổ chức ở Canada, sản phẩm trà tôm nõn của Công ty cổ phần chè Hà Thái, tỉnh Thái Nguyên mang trên mình nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” đã xuất sắc vượt qua hàng chục sản phẩm tiêu biểu của nhiều quốc gia và giành giải Bạc, góp phần khẳng định uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị chè Thái Nguyên. Kết quả này cũng mở ra cơ hội, triển vọng và động lực cho các doanh nghiệp chè của Thái Nguyên mở rộng vào thị trường khó tính như Bắc Mỹ.

Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, đơn vị trực tiếp quản lý nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” đã cấp gần 1.000 chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu này cho các tổ chức, cá nhân, làng nghề. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp 51 giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn 6 xã trong vùng chè đặc sản Tân Cương, thuộc thành phố Thái Nguyên. Đặc biệt, theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” đã được tỉnh đăng ký bảo hộ thành công tại Mỹ, Trung Quốc, Nga... và đang tiếp tục thực hiện các thủ tục đăng ký tại Nhật Bản, Hàn Quốc.

Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè Thái Nguyên đã tạo chuyển biến tích cực của các cấp, ngành và toàn thể xã hội trong việc giữ gìn, phát triển giá trị truyền thống, thương hiệu của cây chè; nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Hiện, diện tích chè Thái Nguyên đạt trên 22.400 ha với sản lượng 245 nghìn tấn, giá trị sản phẩm bình quân 1 ha chè đạt 270 triệu đồng; giá trị sản xuất chè đạt trên 5.500 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Chè Thái Nguyên đã có mặt trên thị trường 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; và xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như: Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Afganistan, Indonesia, các tiểu Vương quốc Ả Rập.

Bà Nguyễn Thị Ngà - Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh đã quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, hoạt động xúc tiến thương mại, Festival trà quốc tế,… để quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm; đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, sử dụng và khai thác giá trị của các nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Ngoài ra, tỉnh cũng tích cực thúc đẩy phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên trên cơ sở phát huy lợi thế, sức cạnh tranh của sản phẩm về số lượng, chất lượng và giá cả; phát triển thương hiệu sản phẩm gắn với hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, gắn với các nhãn hiệu tập thể chè đã được bảo hộ.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cho một số vùng chè chất lượng cao trên địa bàn; tiếp tục đăng ký nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại một số thị trường nước ngoài nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược xuất khẩu sản phẩm chè ra thế giới.

Trần Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm