Nhân rộng sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ

Nhân rộng sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ

"Sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ"- là chủ đề của Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 30/10 tại Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên với sự tham dự của Trung tâm Khuyến nông, các hộ nông dân sản xuất chè tiêu biểu các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên cùng một số hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Nhân rộng sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ ảnh 1Thu hái chè sản xuất theo hướng hữu cơ tại Làng nghề chè xóm 9, Thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Diễn đàn với sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, địa phương cùng nông dân nhằm trao đổi, đề xuất các giải pháp mở rộng ứng dụng kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ, đề xuất các giải pháp về kỹ thuận, cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích nông dân đầu tư ứng dụng vào sản xuất, xây dựng mô hình quản lý sản xuất kinh doanh phù hợp, góp phần ổn định đầu ra, nâng cao hiệu quả sản xuất chè.

Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chè là một trong những cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam với các sản phẩm chính từ cây chè như: chè xanh, chè vàng, chè đen và chè Ô long.

Tại Việt Nam, cây chè được trồng ở 34 tỉnh nhưng tập trung chủ yếu tại một số tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng, Tuyên Quang, Hà Giang... Thực tế hiện nay, người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với quy trình sản xuất thân thiện môi trường thì việc chuyển hướng sang nền nông nghiệp hữu cơ, không hóa chất là hướng đi tất yếu.

Để phổ biến ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn an toàn, phù hợp với xu thế phát triển chung, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra vùng sản xuất chè hàng hóa tập trung đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, từ năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt các dự án khuyến nông Trung ương về sản xuất chè an toàn, liên kết chuỗi giá trị.

Các dự án này đã và đang triển khai đạt kết quả tốt. Điển hình như dự án "Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2019" triển khai tại 6 tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Tĩnh. Từ việc áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết chuỗi giá trị đã giúp cho việc tăng thu nhập cho người sản xuất từ 26 triệu đồng đến 80 triệu đồng/ha tùy từng địa phương, tương đương tăng từ 35,2% đến 82,6% so với sản xuất ngoài mô hình.

Hay như Dự án "Phát triển mô hình trồng chè giống mới, mô hình thâm canh chè an toàn và liên kết chuỗi chế biến, tiêu thụ nguyên liệu giai đoạn 2018 - 2020" do Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai tại các tỉnh: Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An đã xây dựng được 12 mô hình trồng chè giống mới quy mô 40 ha đã cho thu hoạch và 6 mô hình thâm canh chè an toàn quy mô 110ha/năm đem lại hiệu quả kinh tế bình quân tăng 40%...

Ông Lê Quốc Thanh, Giám dốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, các địa phương phải quy hoạch vùng sản xuất hữu cơ, vật tư đảm bảo hữu cơ, quy trình công nghệ để đưa các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là chè trở thành quy trình công nghệ khép kín. Các địa phương quan tâm kiểm soát việc cấp các chứng chỉ hữu cơ bài bản, chứng chỉ đó chính là thương hiệu, là tiêu chí hướng đến thị trường hữu cơ.

Trong thời gian tới các cơ quan chức năng, các địa phương cần đề xuất, sửa đổi, hoàn thiện và ban hành các chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, khuyến khích phát triển các mô hình trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hình thành vùng sản xuất chè hàng hóa chất lượng cao, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa người sản xuất và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Về khoa học công nghệ, các đơn vị cần đầu tư nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất chè hữu cơ phù hợp với sản xuất hiện nay, tập trung nghiên cứu sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có tác dụng phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại chè...

Là tỉnh có diện tích, sản lựơng chè lớn nhất cả nước, Thái Nguyên hiện có 38 doanh nghiệp, 77 hợp tác xã, 230 làng nghề truyền thống sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Tỉnh đã xây dựng được vùng nguyên liệu búp tươi quy mô trên 22.300 ha, sản lượng khoảng 244.000 tấn/năm, giá trị sản xuất chè năm 2020 ước đạt hơn 5.500 tỷ đồng, giá trị sản phẩm thu được bình quân trên mỗi ha chè đạt khoảng 270 triệu đồng/năm.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã trồng mới, trồng lại hơn 5.300 ha chè, đưa diện tích trồng trè giống mới lên hơn 80% tổng diện tích chè toàn tỉnh, diện tích chè sản xuất, chế biến theo quy trình sản xuất an toàn tăng nhanh hàng năm. Đến năm 2020, tổng diện tích chè được cấp chứng nhận VietGAP ước đạt gần 2.500 ha, diện tích chè áp dụng sản xuất hữu cơ đạt trên 110 ha...

Để đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng hữu cơ, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trước mắt tỉnh đã xây dựng đề án phát triển các sản phẩm chủ lực; trong đó phát triển cây chè đóng vai trò mang tính đột phá, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp nhanh và bền vững.

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cao trong canh tác, chế biến, bảo quản chè, tỉnh đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục hỗ trợ xây dựng các mô hình về sản xuất chè an toàn, hữu cơ; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ định hướng thị trường, mời gọi các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm trà, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng chè Thái Nguyên đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm trà, đáp ứng các hàng rào kỹ thuật hội nhập...

Tại diễn đàn, một số hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè tiêu biểu cũng trao đổi một số khó khăn trong sản xuất, chế biến chè an toàn, chè hữu cơ hiện nay. Các đại biểu kiến nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất chè an toàn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại kết nối cung cầu xây dựng mô hình chuỗi, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy hoạch vùng sản xuất chè hữu cơ làm cơ sở mở rộng diện tích chè thâm canh hữu cơ; đồng thời được hỗ trợ vốn, tiếp cận tín dụng với lãi suất ưu đãi để các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ.

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm