Thu hái chè đặc sản tại Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Ông Phạm Việt Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết, để phát triển cây chè đặc sản, Định Hóa đã quy hoạch vùng sản xuất trên địa bàn gồm 16 xã; xây dựng vùng sản xuất chè an toàn; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP với tổng diện tích hơn 230 ha; đồng thời, chuyển đổi gần 50 ha diện tích trồng chè sang thâm canh các giống chè cành năng suất, chất lượng cao như: LDP1, TRI 777, Bát Tiên... Riêng các xã trọng điểm về cây chè của huyện gồm: Phú Đình, Sơn Phú, Bình Yên, Bình Thành, Bộc Nhiêu có các giống chè mới chiếm trên 70% diện tích. Cùng với việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi giống chè, gần 5 năm qua, Định Hóa đã hỗ trợ người dân ở các vùng chè trọng điểm; xây dựng 19 làng nghề sản xuất, chế biến chè, cùng 12 tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất chế biến chè VietGAP, tạo thêm khoảng 1.500 việc làm mới trong các làng nghề, hợp tác xã sản xuất, chế biến chè đặc sản. Sản phẩm chè của Định Hóa đã có thị trường tiêu thụ khá ổn định ở Thái Nguyên cũng như các tỉnh, thành lân cận. Điển hình là các làng nghề chè ở thôn Vũ Quý (xã Sơn Phú), thôn Phù Ninh (xã Phú Đình), xóm Song Thái (xã Điềm Mặc)... Giai đoạn từ nay đến năm 2020, Định Hóa giữ ổn định diện tích chè từ 2.600 đến 3.000 ha, đảm bảo đạt 20% diện tích chè kinh doanh được cấp chứng nhận sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Cây chè được phát triển theo hướng đầu tư tăng năng suất, tăng giá trị thu nhập; gắn sản xuất tại làng nghề với bản sắc văn hóa các dân tộc để phục vụ du lịch; tổ chức lại sản xuất, tạo chuỗi sản phẩm có giá trị cao... Theo ông Hoàng Văn Dũng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, so với các địa phương khác trong tỉnh, Định Hóa có rất nhiều lợi thế để phát triển cây chè. Đặc biệt, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, diện tích đất đồi rừng lớn nên có thể chuyển đổi sang trồng, thâm canh chè. Những năm qua, giá trị cây chè của Định Hóa chưa cao chủ yếu do trình độ thâm canh, quá trình canh tác, chế biến còn nhiều hạn chế. Do vậy, để hỗ trợ người dân vùng ATK Định Hóa phát triển cây chè, ngành nông nghiệp tập trung giúp người dân vùng chuyên canh chuyển đổi cơ cấu giống; tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, chế biến chè đặc sản; sản xuất chè chất lượng cao. Địa phương cũng thực hiện chính sách trong Đề án phát triển cây chè của tỉnh như: hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nâng cao kỹ thuật chế biến chè đảm bảo an toàn thực phẩm; sản xuất hữu cơ; hỗ trợ 100% chi phí cho đào tạo tập huấn về xây dựng, phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên, 50% giá giống chè trồng mới và trồng thay thế, 40% kinh phí xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về vật tư, phân bón, chế phẩm sinh học...
Hoàng Thảo Nguyên