Kết hợp giá trị thiên nhiên kỳ vĩ cùng văn hóa truyền thống đa sắc, mang đậm bản sắc dân tộc đang trở thành xu hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững, hiệu quả, góp phần đưa Yên Bái thành điểm đến hàng đầu khu vực Tây Bắc.
Phát huy lợi thế từ cảnh quan thiên nhiên
Giờ đây, khi nhắc tới du lịch Yên Bái, du khách đều bị hấp dẫn bởi nhiều cảnh quan nguyên sơ, thiên nhiên phong phú tươi đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ của vùng núi cao, tự nhiên đã ban tặng cho tỉnh nhiều địa danh du lịch với nhiều cảnh sắc tự nhiên nổi tiếng trong nước và quốc tế. Điều đó, tạo ra lợi thế so sánh và sản phẩm du lịch sinh thái riêng có của Yên Bái.
Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Phát triển du lịch tỉnh Yên Bái Phạm Việt Phương cho biết, để phát huy lợi thế này, từ nhiều năm nay, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch, trong đó ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Để cụ thể hóa việc hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trong giai đoạn 2021-2025, ngày 19/4/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 10 về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, rất nhiều danh thắng tự nhiên nổi tiếng đã được tỉnh Yên Bái quy hoạch, bảo tồn, quản lý và có lộ trình cho việc đầu tư, khai thác, như đỉnh Tà Xùa, đỉnh Lùng Cúng, đỉnh Khau Phạ, đỉnh Tà Chì Nhù, khu bảo tồn Nà Hẩu, khu bảo tồn Chế Tạo, bãi đá cổ La Pán Tẩn... cùng hàng chục con suối với những thác nước hùng vĩ, như thác Háng Đề Chơ, thác Mơ, thác Pú Nhu, thác Khe Cam, thác Khuổi Luông...
Nhiều địa danh tiếp tục được tỉnh hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, cùng nhiều chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư tư nhân. Đến nay, Yên Bái đã hình thành những khu du lịch và bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả, như du lịch lòng hồ Thác Bà; di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; suối nước nóng Trạm Tấu; suối nước nóng bản Hốc; suối nước nóng Nậm Khắt; du lịch Đầm Vân Hội; du lịch lòng hồ Hồ Chóp Dù; du lịch cánh đồng Mường Lò; du lịch Suối Giàng...
Nhờ vậy, lượng du khách đến với Yên Bái tăng nhanh trong những năm gần đây, dịch vụ du lịch có bước tăng trưởng mạnh. Năm 2020, tỉnh đã đón trên 760.000 lượt khách, tăng 10,5% so với cùng kỳ, doanh thu đạt trên 425 tỷ đồng. Bước sang năm 2021, tuy bị ảnh hưởng mạnh từ dịch COVID-19 nhưng 9 tháng, Yên Bái vẫn đón gần 600.000 lượt du khách, doanh thu đạt trên 340 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, tại 25 điểm hoạt động du lịch cộng đồng.
Đánh giá về tiềm năng thiên nhiên cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của tỉnh Yên Bái, ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng nhận xét, Yên Bái là một trong số ít tỉnh miền núi được tự nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều phong cảnh đẹp, phong phú, đa dạng, nhưng còn khá nguyên sơ, rất ít tác động của con người đến cảnh quan, môi trường. Do vậy, khai thác thế mạnh từ thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái là rất phù hợp, các loại hình du lịch khác cũng cần khai thác từ lợi thế này. Đối với Hợp tác xã chúng tôi, một phần quan trọng của Không gian văn hóa trà Suối Giàng chính là không gian thiên nhiên nơi đây.
Bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo
Cùng với giá trị về cảnh quan thiên nhiên, Yên Bái còn là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa đa sắc màu của 30 dân tộc anh em, với 86 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, có 746 di sản phi vật thể và 574 di sản vật thể. Những giá trị văn hóa đặc sắc đó có thể trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, mang những sắc thái riêng, khác lạ, khiến nhiều du khách trong nước và quốc tế tìm đến trải nghiệm, nghiên cứu.
Điều đó được thể hiện đậm nét qua những lễ hội truyền thống ngày càng được lan tỏa rộng rãi, hấp dẫn du khách. Điển hình như: Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Xá Phó tại xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên; Lễ Tết nhảy của dân tộc Dao đỏ tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên; Lễ hội Xé then của dân tộc Thái tại thị xã Nghĩa Lộ; Lễ Cầu mưa của dân tộc Dao họ tại xã Đông An; Lễ hội đền Đông Cuông của dân tộc Tày tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên; Lễ hội Hạn khuống của dân tộc Thái tại xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ; Lễ mừng cơm mới của dân tộc Mông, huyện Mù Cang Chải...
Tiến sỹ Hoàng Tiến Long, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết, việc khôi phục, bảo tồn các lễ hội truyền thống không chỉ tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân địa phương, mà còn quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh tới du khách. Chính điều này đã thu hút du khách, góp phần làm cho du lịch sinh thái phát triển bền vững và từng bước xây dựng thương hiệu du lịch của Yên Bái.
Bên cạnh công tác bảo tồn các lễ hội truyền thống, Yên Bái thường niên tổ chức thành công các hoạt động văn hóa lớn, đã trở thành sản phẩm du lịch mang tầm cỡ quốc gia, như: Lễ hội Xòe Thái Mường Lò được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” được tổ chức tại danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang trên đèo Khau Phạ, Mù Cang Chải; Lễ hội Âm vang hồ Thác Bà; Lễ hội săn mây trên đỉnh Tà Xùa, huyện Trạm Tấu… qua đó khẳng định vị trí, đẳng cấp du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm của Yên Bái trong thời gian qua.
Ngoài ra, Yên Bái chú trọng tới việc tôn tạo, bảo tồn các làng, bản cổ dân tộc thiểu số, làng nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch, điển hình như: Làng cổ Pang Cáng của dân tộc Mông tại xã Suối Giàng; Làng cổ Viềng Công của dân tộc Thái tại xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn; bản cổ Sà Rèn của dân tộc Thái tại xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ… Tại đây, du khách được trải nghiệm nhiều điều thú vị về phong tục tập quán, đời sống tâm linh, tham gia các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Đặc biệt, du khách được thưởng thức ẩm thực độc đáo mang hương vị của núi rừng Tây Bắc, các món ăn truyền thống của mỗi dân tộc vùng cao đều là những đặc sản thơm ngon, khác lạ, hấp dẫn du khách.
Kỳ vọng vào sự phát triển du lịch sinh thái của tỉnh Yên Bái trong thời gian tới, bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Yên Bái sẽ là xanh, bản sắc, hấp dẫn, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Yên Bái tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ số thúc đẩy phát triển du lịch sáng tạo, thông minh; nâng cao chất lượng công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước.
Đặc biệt, để thích ứng trong bối cảnh dịch COVID-19, tỉnh Yên Bái đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tham gia các chương trình kích cầu du lịch, giảm giá từ 10-40% các dịch vụ du lịch. Đồng thời, tỉnh triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách, từng bước hồi phục các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, để Yên Bái luôn trở thành điểm đến thân thiện, không thể thiếu trong hành trình khám phá Tây Bắc của du khách.
Tiến Khánh