Mù Cang Chải - Mường Lò: Vẻ đẹp say lòng giữa núi rừng Tây Bắc

Mù Cang Chải - Mường Lò: Vẻ đẹp say lòng giữa núi rừng Tây Bắc
Ruộng bậc thang - kiệt tác của của bàn tay lao động

Ruộng bậc thang là một hình thức canh tác mang đặc trưng riêng của đồng bào vùng cao trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các địa phương vùng Tây Bắc Việt Nam nói chung. Do ở các vùng núi cao, hiếm đất bằng để canh tác, người ta chọn các vạt đất ở sườn núi bạt thành các tầng bậc, rồi dẫn nước từ các vùng núi cao, tạo thành các ruộng bậc thang để canh tác lúa. Những thửa ruộng bậc thang được hình thành và duy trì qua hàng trăm năm, là minh chứng rõ nhất về lịch sử định cư lâu đời và tập quán lao động sản xuất nông nghiệp của bà con các dân tộc thiểu số Việt Nam.
 
Hoa cải dầu nhuộm vàng cánh đồng ruộng bậc thang tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN
Hoa cải dầu nhuộm vàng cánh đồng ruộng bậc thang tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Để tạo nên những thửa ruộng bậc thang thích hợp cho gieo trồng, người dân phải chọn những vùng đất không có đá trên triền đồi, sườn núi có diện tích khá rộng, độ dốc vừa phải và vị trí thuận lợi để đón nước mưa, nước suối. Những thửa ruộng bậc thang có chiều ngang hẹp chỉ vài đường bừa, thửa ruộng trên nằm chênh với thửa ruộng dưới khoảng 1,5m, chỗ trũng thì bồi thêm đất, chỗ cao thì ủi bớt đất đi. Bờ ruộng được xẻ rãnh theo cách không nối liền mạch để đón nước vào ruộng và hạn chế đất mất màu khi có lũ (thửa đầu xẻ rãnh đầu bờ thì thửa dưới xẻ rãnh giữa bờ và thửa kế tiếp xẻ rãnh cuối bờ)… Với kỹ thuật này, các thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp, gối chồng lên nhau vắt ngang triền đồi, sườn núi với độ rộng, độ cao tương đối giống nhau. Cứ thế, từ thế hệ này sang thế hệ khác, trải qua hàng trăm năm, các thửa ruộng bậc thang ngày càng mở rộng, trông như những nét màu rực rỡ đổ trên bức tranh núi rừng, trở thành một nét đẹp rất riêng của vùng Tây Bắc.

Mù Cang Chải-Mường Lò: Vẻ đẹp say lòng giữa núi rừng Tây Bắc

Được ví như vân tay của trời, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Mông sinh sống trên mảnh đất này. Những thửa ruộng trải dài như những cung đàn, nốt nhạc, đan khắp các sườn núi. Thời điểm ngắm ruộng bậc thang lý tưởng nhất là từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10 là khi mùa lúa chín. Lúc này trên các sườn núi, triền đồi, các ruộng lúa xanh bắt đầu ngả vàng. Những bông lúa trĩu hạt, uốn câu và những thửa ruộng bậc thang được nhuộm vàng, từng bậc ruộng nối tiếp nhau đổ từ trên cao xuống như bất tận, tạo nên một bức tranh vô cùng ấn tượng. Đây cũng chính là một trong những khoảnh khắc tuyệt đẹp nhất để du khách đến với Mù Cang Chải.

Huyện Mù Cang Chải có khoảng trên 61.000 dân, trong đó 91% là dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác. Sự đa dạng về dân tộc tạo nên cho Mù Cang Chải có một nền văn hóa phong phú, là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện. Bằng sự sáng tạo thông minh, đôi bàn tay cần cù, chăm chỉ, cùng sức mạnh tập thể, những người dân vùng Tây Bắc đã tạo nên hệ thống ruộng bậc thang độc đáo và kỳ vĩ. Không chỉ giúp nhân dân có cuộc sống ổn định, đẩy lui đói nghèo mà sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang cùng nét văn hóa bản địa độc đáo còn giúp Mù Cang Chải trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha - thiên đường ruộng bậc thang Việt Nam - đã được Nhà nước công nhận Danh thắng quốc gia. Không chỉ vậy, Mù Cang Chải còn được bầu chọn vào top 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới.

Cách thành phố Yên Bái chừng 80 km về phía tây, thung lũng Mường Lò được ví như một lòng chảo khổng lồ bao trọn toàn bộ thị xã Nghĩa Lộ và một vài xã của huyện Văn Chấn. Nổi tiếng bởi sự đa dạng văn hóa, Mường Lò còn là nơi chung sống của 12 dân tộc anh em: Thái, Kinh, Mông, Mường... trong đó người Thái chiếm đa số. Là vùng đất của lúa gạo, Mường Lò từ lâu đã được lưu truyền trong câu ca ngợi ca về bốn vựa lúa lớn nhất Tây Bắc: "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc". Trong đó Mường Thanh (Điện Biên) là lớn nhất, Mường Lò là cánh đồng lúa lớn thứ hai của Tây Bắc, sau đó là Mường Than (Lai Châu) và cuối cùng là Mường Tấc (Sơn La).

Ngoài những cánh đồng lúa trải kín thung lũng, Mường Lò còn có những phong tục độc đáo gắn với mùa vụ, như tết Xíp xí của đồng bào Thái tổ chức vào dịp tháng 7 âm lịch, lễ ăn cơm mới, lễ đặt tên con, lễ cưới hỏi…Vốn văn hóa ẩm thực của người Thái đen Mường Lò cũng vô cùng phong phú và hấp dẫn, nổi tiếng với những món ăn như xôi ngũ sắc được đồ từ gạo nếp nương dẻo thơm, lá màu trên rừng, cơm lam, vịt luộc, cá suối nướng theo kiểu pa pỉnh tộp, thịt trâu gác bếp, lạp xưởng, rau rừng… mỗi món ăn đều để lại một dư vị khó quên.
 
Các nghệ nhân biểu diễn màn đại xòe. Ảnh: Đức Tưởng-TTXVN
Các nghệ nhân biểu diễn màn đại xòe. Ảnh: Đức Tưởng-TTXVN

Đặc sắc Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò

Những năm gần đây, Yên Bái-Mường Lò-Mù Cang Chải đã trở nên gần gũi và nổi tiếng hơn với khách du lịch trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp của những ruộng bậc thang - một kiệt tác được sản sinh từ sức lao động của con người. Mùa thu này, bức tranh ấy còn rực rỡ và mê hoặc hơn bao giờ hết với “Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải”, được tổ chức công phu với nhiều chương trình đặc sắc và hoành tráng, như màn Đại Xòe với sự tham gia của 5.000 nghệ sĩ, diễn viên và quần chúng nhân dân (Xòe Thái ở Mường Lò đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015 và đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại); Festival dù lượn "Bay trên mùa vàng" giúp du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của những thửa ruộng bậc thang từ trên cao; Lễ hội cốm Tú Lệ giúp đem đến cho du khách những trải nghiệm và thưởng thức tinh hoa của vùng đất Mường Lò; chinh phục đỉnh Tà Xùa "vương quốc của mây và gió", Hội chợ du lịch và ẩm thực Tây Bắc...

Điểm mới của lễ hội năm nay là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề "Tinh hoa từ huyền thoại" quy tụ nhiều tiết mục ca múa nhạc độc đáo với sự thể hiện của các ca sĩ nổi tiếng của trung ương xen lẫn các tiết mục đặc trưng của Yên Bái do các nghệ sĩ địa phương thể hiện. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên Lễ hội có chương trình biểu diễn đường phố với sự tham gia của các nghệ nhân, nhân dân các dân tộc đến từ 9 huyện, thị xã, thành phố, nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc trưng riêng của từng địa phương. Các hoạt động diễn ra trong Lễ hội không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của danh thắng quốc gia ruộng bậc thang, mà còn nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch; đồng thời quảng bá, giới thiệu về quê hương, con người, tiềm năng thế mạnh và bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc Yên Bái đến với du khách trong nước và quốc tế.
 
Thu Hạnh (tổng hợp)
TTXVN

Có thể bạn quan tâm