Huy động nguồn lực để sớm có vaccine phòng COVID-19 tiêm đại trà, tạo miễn dịch cộng đồng

Huy động nguồn lực để sớm có vaccine phòng COVID-19 tiêm đại trà, tạo miễn dịch cộng đồng

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ 18 giờ ngày 15/6 đến 18 giờ ngày 16/6, Việt Nam ghi nhận thêm 423 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 9 ca nhập cảnh, cách ly tại Tây Ninh 4 ca, Kiên Giang 2 ca, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam và Khánh Hoà đều ghi nhận 1 ca. Trong nước ghi nhận 414 ca, trong đó Bắc Giang vẫn nhiều nhất với 279 ca, Thành phố Hồ Chí Minh 99, Bắc Ninh 27 ca, Hà Tĩnh 4, Nghệ An 3, Hà Nam và Bắc Kạn đều có 1 ca. Trong số các ca ghi nhận trong nước có 398 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Huy động nguồn lực để sớm có vaccine phòng COVID-19 tiêm đại trà, tạo miễn dịch cộng đồng ảnh 1Hàng trăm nghìn công nhân trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang được tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh TTXVN

Tính đến 18 giờ ngày 16/6, Việt Nam có tổng cộng 9.980 ca ghi nhận trong nước và 1.655 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 8.410 ca, trong đó có 1.816 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Cả nước có 24 tỉnh, thành phố gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Đà Nẵng đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới. Trong ngày 16/6 đã có thêm 47 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; 475 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1-3 lần.

Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh xét nghiệm

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 (lần 2) tại Thành phố Hồ Chí Minh: đã có hơn 1.000 ca mắc trong cộng đồng, đây cũng là thời điểm Thành phố cần chuẩn bị kịch bản cho tình huống có 5.000 ca mắc để lên kế hoạch ứng phó. Đặc biệt là công tác chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để thu dung, điều trị cho các trường hợp F0 và cách ly tập trung cho những người thuộc diện F1.

Các ổ dịch lớn trong cộng đồng hiện nay là ổ dịch Nhóm Truyền giáo Phục Hưng, Khu chung cư Ehome 3, ổ dịch huyện Hóc Môn, Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc... đã tạm thời ổn định, số ca mắc mới đã giảm dần. Còn đối với các ca bệnh, nhóm lây nhiễm nhỏ trong cộng đồng, Thành phố cũng đang nỗ lực truy vết, khoanh vùng nhỏ theo từng khu vực.

Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh hơn nữa công tác xét nghiệm, đa dạng các phương án test nhanh, xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp một cách linh hoạt nhằm phát hiện sớm các trường hợp F0, từ đó khoanh vùng, dập dịch, hạn chế sự lây lan của dịch trong cộng đồng.

Hiện Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo các tiêu chí cách ly tại nhà, nơi sản xuất đối với các trường hợp F1 và sẽ áp dụng khi cần thiết. Đặc biệt, trong đợt dịch này, Bộ Y tế xây dựng tiêu chí cách ly tại nhà cho người dưới 15 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Dự kiến sẽ thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương được Chính phủ ưu tiên về vaccine. Cụ thể, thời gian tới, Thành phố được phân bổ 800.000 liều vaccine phòng COVID-19. Bên cạnh những đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ thì trong đợt này Thành phố tập trung tiêm phòng vaccine trong các khu công nghiệp, đặc biệt là các công nhân tham gia sản xuất.

Thêm nguồn lực cho Quỹ vaccine phòng COVID-19

Trong ngày 16/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Y tế Cuba Jose Angel Portal Miranda, lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật Gene và Công nghệ sinh học Cuba (CIGB), Tập đoàn Dược – Sinh học Cuba (BIOCUBAFARMA) về cung ứng vaccine phòng COVID-19 do Cuba sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất, đóng ống vaccine này tại Việt Nam.

Vaccine phòng COVID-19 Abdala của Cuba đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, kết quả là vaccine này có khả năng ngăn chặn các loại biến thể của SARS-CoV-2. Tuy nhiên vaccine này chưa được thử nghiệm lâm sàng trên người ở bất kỳ quốc gia nào. Cuba có thể sản xuất khoảng 100 triệu liều/năm và chỉ sử dụng khoảng 30 triệu liều ở trong nước. Phía Cuba sẵn sàng ký kết hợp tác với Việt Nam về cung ứng vaccine Abdala, đồng thời hợp tác để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine này. Nếu Việt Nam có nhu cầu về vaccine lớn hơn số vaccine hiện Cuba đang sản xuất, thì Cuba sẽ mở thêm 2 xưởng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của Việt Nam.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã làm việc với Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam thống nhất phân bổ lô hàng 288.100 liều vaccine mà Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) đã nhận được từ AstraZeneca, ưu tiên cho các tỉnh đang có dịch COVID-19.

Ngày 16/6, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã đại diện tiếp nhận ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ các đơn vị. Việt Nam cần mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 với tổng kinh phí khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng, ngân sách trung ương dự kiến bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, đảm bảo cho các đối tượng do trung ương quản lý và hỗ trợ các địa phương khó khăn. Ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, số tiền ủng hộ chuyển vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm đã đạt trên 5 nghìn tỷ đồng.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã ký thư kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và toàn thể nhân dân Thủ đô tiếp tục tích cực tham gia hưởng ứng chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 của thành phố để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Để có thêm nguồn lực, hỗ trợ mua vaccine phòng, chống COVID-19, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp "Hà Nội chung tay hành động đẩy lùi dịch COVID-19" vào lúc 20 giờ ngày 19/6.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm