Hướng mới phát triển kinh tế cho đồng bào vùng cao Nguyên Bình

Hướng mới phát triển kinh tế cho đồng bào vùng cao Nguyên Bình

Khu vực Phia Oắc, Phia Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) có độ cao trên 1.300m so với mặt nước biển, khí hậu mát lạnh với sự đa dạng phong phú về sinh học, thực vật. Đây là một trong những vựa dược liệu quan trọng của khu vực miền núi phía Bắc, giàu tiềm năng phát triển.

Hướng mới phát triển kinh tế cho đồng bào vùng cao Nguyên Bình ảnh 1Giống cây đương quy rất hợp khí hậu, thổ nhưỡng của khu vực xã Thành Công, dễ chăm sóc và phát triển rất tốt. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Công ty TNHH Kolia Cao Bằng đã từng bước nghiên cứu, trồng thử nghiệm thành công, chuẩn bị đưa ra thị trường một số loại cây dược liệu quý hiếm, mở ra một hướng đi mới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thậm chí làm giàu cho người dân các xã Thành Công, Phan Thanh, Mai Long của huyện Nguyên Bình.

Xã Thành Công là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao, điều kiện sản xuất khó khăn, ít đất sản xuất, khí hậu lạnh, thường có băng giá, sương muối khiến cho việc sản xuất nông nghiệp của bà con nhân dân gặp nhiều khó khăn. Vì thế, đời sống kinh tế ở khu vực này còn rất nghèo nàn.

Trong khi đó, tiểu vùng khí hậu ôn đới của khu vực này là một món quà quý báu từ thiên nhiên. Nơi đây có tiềm năng lớn về du lịch, đã được người Pháp quy hoạch thành thị trấn du lịch từ những năm 1940. Về sinh học, khu rừng đặc dụng Phja Oắc - Phja Đén là nơi có 352 loài thực vật; trong đó, có 12 loài thực vật, dược liệu quý hiếm, có 10 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam và 58 loài động vật quý hiếm.

Ở đó có các quần thể rừng lá kim nguyên sinh với các loài thiết sam giả, thiết sam núi đá, thông pà cò… và nhiều loài được ghi vào trong Sách đỏ Việt Nam. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loại dược liệu quý hiếm sinh trưởng như sâm thất diệp nhất chi hoa, tam thất hoang, lan kim tuyến, nấm linh chi…

Hướng mới phát triển kinh tế cho đồng bào vùng cao Nguyên Bình ảnh 2Cây thất diệp nhất chi hoa (7 lá 1 hoa) đang được Công ty TNHH Kolia ươm trồng, cho kết quả rất tốt tại xã Thành Công. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Tuy nhiên, những năm trước đây, do nhận thức kém, cùng với sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, nhiều người dân đã khai thác dược liệu ồ ạt có tính hủy diệt để bán sang Trung Quốc. Điều này khiến cho nhiều loại dược liệu đứng trước nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng mà hiệu quả kinh tế lại rất thấp.

Trước tình trạng này, ông Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kolia Cao Bằng đã sớm ấp ủ, nung nấu một quyết tâm biến dược liệu thành một “mỏ vàng” cho người dân và doanh nghiệp nơi đây. Ngay từ đầu những năm 2000, ông Ngọc bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng trang trại trồng chè chất lượng cao, rau, hoa ôn đới kết hợp với du lịch.

Bên cạnh đó, ông bắt đầu quá trình ươm trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu. Tuy nhiên, trồng dược liệu không dễ như làm nông nghiệp thông thường bởi các loại cây thảo dược có thời gian sinh trưởng lâu năm, đòi hỏi sự chăm sóc hết sức cầu kỳ tỷ mỷ. Sau nhiều lần thất bại, ông Ngọc đã trồng thành công nhiều loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, tam thất, thất diệp nhất chi hoa, đương quy, cát cánh, đông trùng hạ thảo.

Ông Ngọc cho biết đã ký kết hợp tác với Viện dược liệu (thuộc Bộ Y tế) để được hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến dược liệu. Cùng đó, đơn vị còn ký kết với các công ty dược liệu về đầu ra cho sản phẩm.

Hướng mới phát triển kinh tế cho đồng bào vùng cao Nguyên Bình ảnh 3Vườn ươm sâm Ngọc Linh của Công ty TNHH Kolia đang phát triển tốt. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Đến nay, cơ bản đã làm chủ được quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm. Những loại dược liệu được trồng tại trang trại của Công ty Kolia đều phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ những và cho chất lượng tốt. Hiện công ty đang hỗ trợ một số hộ dân trồng các loại cây dược liệu này với giá trị cao gấp hàng chục lần cây nông nghiệp.

Hiện tại, Công ty TNHH Kolia đã xây dựng vườn ươm nhà lưới, nhà màng nylon rộng trên 3000 m2, và ươm được trên 50 vạn cây giống sâm Ngọc Linh, tam thất, thất diệp nhất chi hoa. Trong vụ xuân 2024, Công ty sẽ triển khai cho một số hộ dân trồng dược liệu. Thời gian tới, Công ty sẽ liên kết với dân các xã lân cận như Phan Thanh, Thành Công, Quang Thành, Mai Long để trồng dược liệu đồng thời xây dựng nhà máy chế biến dược liệu ngay tại địa phương.

Khi được hỏi về đầu ra cho sản phẩm, ông Ngọc cho biết, hiện nay, nhu cầu về dược liệu của nước ta rất lớn nhưng chỉ sản xuất được khoảng 10%, còn lại 90% nhập từ Trung Quốc. Trong khi đó, các loại dược liệu từ Trung Quốc giá rất cao mà không đảm bảo chất lượng, nhiều loại đã bị rút bớt tinh chất, chỉ còn bã. Do vậy người dân trông dược liệu không cần lo lắng về đầu ra cho sản phẩm.

Hướng mới phát triển kinh tế cho đồng bào vùng cao Nguyên Bình ảnh 4Hiện tại, Công ty Kolia đã ươm được trên 50 vạn cây giống sâm Ngọc Linh, tam thất, thất diệp nhất chi hoa. Trong vụ xuân 2024, Công ty sẽ triển khai cho một số hộ dân trồng dược liệu. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho biết, huyện có tiềm năng lợi thế rất lớn về cây dược liệu và đã được tỉnh chọn làm vùng phát triển cây dược liệu theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, tỉnh và huyện đang kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển, chế biến cây dược liệu tại 6 xã; trong đó, có xã Thành Công. Hiện đã có 3 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã nộp hồ sơ tham gia dự án phát triển cây dược liệu của huyện. Khi dự án được triển khai, chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Quốc Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm