Hướng đi tiềm năng chống sa mạc hóa biển

Các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản đang thử nghiệm cho nhum biển đói ăn rau nhằm ngăn loài sinh vật này ăn lượng lớn rong biển - vốn đang ngày càng sụt giảm.

Nhật Bản đang phải chật vật đối phó với hiện tượng "sa mạc hóa biển" - nghĩa là diện tích rừng rong biển ven bờ giảm mạnh, trong khi đây là nơi tập trung nhiều loài sinh vật biển đa dạng, hỗ trợ cuộc sống và sinh kế của ngư dân địa phương.

Theo nhà nghiên cứu Yutaka Harada thuộc Trung tâm Công nghệ Thủy sản tỉnh Kanagawa, diện tích thảm rong biển tại Vịnh Sagami, ngoài khơi Kanagawa, phía Nam thủ đô Tokyo, đã giảm 80% trong 3 thập niên qua. Các nhà khoa học cho rằng việc nhum biển ăn rong quá mức là nguyên nhân gây ra tình trạng này, bên cạnh các yếu tố như nhiệt độ nước biển tăng và sóng thủy triều mạnh hơn. Tuy nhiên, kiểm soát loài nhum không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Ông Shozo Takamura, một nhà nghiên cứu khác tại tỉnh Kanagawa cho biết có rất nhiều nhum biển tại những khu vực từng là nơi có thảm rong biển. Dù các thợ lặn và ngư dân đã nỗ lực bắt và loại bỏ chúng, nhưng số lượng loài này giảm không đáng kể.

Không giống như nhum biển được bán cho các quán sushi sang trọng, hầu hết nhum biển ở vùng ven biển Kanagawa không có nhiều bộ phận có thể ăn được, do đó ngư dân khó có thể bán sau khi đánh bắt loài này.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Harada cho biết các nhà khoa học đang nghiên cứu cách nuôi nhum biển mà ngư dân bắt được ở tỉnh Kanagawa. Đó là nhum biển tím Thái Bình Dương. Loài này rất thích ăn rau như bắp cải dư thừa và rau cải ngọt. Nhum biển địa phương thường chỉ có khoảng 2-3% phần ăn được, song tỷ lệ này ở những loài được nuôi trong phòng thí nghiệm lên đến 20% và ít vị đắng hơn.

Những phát hiện trong dự án nghiên cứu trên đang mở ra hướng đi có giá trị kinh tế và sinh kế cho người dân địa phương, đồng thời bảo vệ các thảm rong biển còn lại hiện nay, giúp ngăn chặn hiện tượng sa mạc hóa biển.

Minh Tâm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm