Gà đen Tủa Chùa được chăm sóc cẩn thận và mất nhiều công sức hơn với giống gà khác. Ảnh: Văn Dũng –TTXVN |
Giống gà đen Tủa Chùa khác với những vùng khác, toàn thân phủ một lớp lông tơ mềm, có thịt đen, xương đen nhỏ và cứng, hương vị thơm, chắc ngọt. Gà đen Tủa Chùa không chỉ là món ăn đặc biệt mà còn là loại thuốc quý của người Mông.
Nhận thấy tiềm năng, giá trị kinh tế của giống gà đen Tủa Chùa. Năm 2010, đoàn công tác Ngân hàng Thế giới đã tiến hành khảo sát, tư vấn cho huyện Tủa Chùa về đơn vị cung cấp giống và quyết định tài trợ cho chương trình hỗ trợ nhân rộng giống gà xương đen Tủa Chùa.
Chính quyền huyện cũng đã giao các xã trực tiếp làm chủ đầu tư ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp, Ban quản lý Dự án giảm nghèo phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn bà con các phương pháp chăm sóc để duy trì sự sinh trưởng và phát triển gà. Mặc dù có định hướng phát triển, xây dựng mở rộng quy mô trên thế mạnh có sẵn nhưng dự án đầu tư nhân giống gà đen giúp bà con giảm nghèo dần đi vào ngõ cụt.
Chị Phạm Thị Út Mai, sống tại đội 9, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) đã từng là cơ sở nuôi và cung cấp giống gà đen lớn nhất huyện Tủa Chùa.
Chị bắt đầu thu mua, nuôi giống gà đen từ năm 2010. Sau khi ký hợp đồng với Ban Quản lý dự án giảm nghèo, gia đình chị đã phân phối hơn 6.000 con gà đen giống cho hộ nghèo.
Tuy nhiên, sau một thời gian kinh doanh, nhân rộng giống gà đen, đàn gà của gia đình chị bị mắc dịch bệnh chết gần hết đàn, vì tài chính hạn hẹp, không có khả năng tái đàn nên chị đã không chăn nuôi giống gà đen nữa.
Chị Mai tâm sự, được sự tài trợ của Dự án giảm nghèo, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng đàn, có lúc đã tăng lên 500 gà mái sinh sản. Thế nhưng cách đây khoảng 2 năm có đợt dịch, khiến đàn gà của chị chết gần hết. Mặc dù biết nhu cầu thị trường về giống gà này rất cao nhưng điều kiện tài chính không cho phép, nên gia đình không thể tái đàn được nữa.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tủa Chùa cho hay, giống gà đen Tủa Chùa đúng nguyên bản có từ lâu, thế nhưng người dân nuôi manh mún chứ không lớn, mỗi hộ chỉ nuôi một vài con.
Sau khi có dự án giảm nghèo đầu tư nhân rộng, Hội Nông dân đã phát động các phong trào để bà con chăn nuôi và xây dựng các mô hình chăn nuôi gà đen Tủa Chùa.
Đặc tính của giống gà đen Tủa Chùa phải thả ra ngoài vườn đồi mới có sức đề kháng tốt, có thể chống lại dịch bệnh. Ảnh: Văn Dũng -TTXVN |
Tuy nhiên giống gà đen sau khi lai tạo, chất lượng con giống không được đảm bảo, vào mùa đông thời tiết ở Tủa Chùa rét buốt cho nên quá trình chăn nuôi gặp nhiều rủi ro, dễ mắc phải dịch bệnh. Cùng với đó, bà con nông dân cũng chưa nắm vững tập tính sinh sống, kỹ thuật chăn nuôi khiến cho việc phát triển mô hình, nhân giống gà đen đi vào bế tắc.
Trước những tiềm năng sẵn có và nhu cầu thị trường ngày một cao, một vài hộ gia đình ở Thị trấn Tủa Chùa hiện vẫn đang ấp ủ dự định xây dựng mô hình, nhân giống gà đen. Tiêu biểu như gia đình của bà Bùi Thị Thanh, sống tại tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) đang nuôi 460 con gà đen Tủa Chùa; trong đó có 60 gà mái đẻ và 400 con giống.
Bắt đầu nuôi giống gà này cách đây được 2 năm, sau khi nhận thấy giá trị kinh tế cao, gia đình bà đã có hướng đầu tư phát triển mở rộng đàn, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Bà Thanh cho biết, chăn nuôi giống gà đen rất vất vả về công chăm sóc, phải thường xuyên cung cấp đủ thức ăn, nước uống, thắp bóng điện đủ ấm, chuồng trại phải ấm về mùa đông và thoáng về mùa hè, phải rải trấu làm sàn cho gà nằm; xây dựng chuồng rộng, đủ diện tích để gà chạy nhảy mới giúp gà có sức đề kháng cao, khỏe mạnh.
Theo bà Thanh giống gà đen Tủa Chùa ở trên địa bàn chưa được nhân rộng, do thời tiết thất thường, thường xuyên thay đổi cho nên gà dễ bị bệnh, phải tốn công chăm sóc từ lúc còn nhỏ. Ngoài ra, để chăn nuôi giống gà này, phải đi vào khu vực xã phía bắc của Tủa Chùa để tìm các giống gà đen thuần về nhân giống nhằm đảm bảo chất lượng con giống đời sau.
Hiện tại, gia đình bà đang có hướng mở rộng, nhân giống đàn gà, vì giá trị kinh tế hơn hẳn giá gà thường. Hiện giá gà đen Tủa Chùa khoảng 140.000 – 150.000 đồng/kg, tuy vậy cũng không cung cấp đủ ra cho thị trường.
Thương hiệu gà đen Tủa Chùa được mọi người biết đến từ lâu, tuy nhiên việc phát triển và nhân rộng giống gặp nhiều khó khăn, khiến giống gà này cũng hiếm dần.
Trên cơ sở giá trị và tiềm năng kinh tế mà gà đen Tủa Chùa mang lại, các cấp ban, ngành chính quyền huyện Tủa Chùa cũng đang từng bước tìm giải pháp tích cực, hướng đi mới hiệu quả cho việc xây dựng mô hình chăn nuôi giống gà đen Tủa Chùa, góp phần giúp bà con nông dân thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định.
Võ Văn Dũng