Hơn 14.500 ha sắn ở Phú Yên mắc bệnh khảm lá virus

Ngày 31/8, ông Nguyễn Lê Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cho biết, niên vụ sắn 2022 - 2023, nông dân tỉnh Phú Yên đã trồng 25.191 ha sắn nhưng hiện nay, bệnh khảm lá virus đang phát sinh gây hại trên 57% diện tích, ở giai đoạn sắn phát triển thân lá và tích lũy bột.

Hon 14.500 ha san o Phu Yen mac benh kham la virus hinh anh 1 Cây sắn phát triển lên trên mặt đất khoảng 15- 20 cm khi bị nhiễm bệnh khảm lá khiến lá bị xoắn, cây còi cọc, phát triển chậm, cho năng suất thấp. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Bệnh khảm lá virus xảy ra trên các giống sắn: KM419, KM98-5, KM440, KM94, KM140… Tỷ lệ bệnh phát sinh gây hại từ 5 - 100%/cây. Diện tích sắn bị nhiễm bệnh nhẹ là 430 ha, diện tích nhiễm bệnh trung bình 5.900 ha, diện tích nhiễm bệnh nặng 8.200 ha.

Bệnh khảm lá virus gây hại trên cây sắn tập trung ở các huyện: Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa và Tuy An; trong đó, huyện Sông Hinh có diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá virus nhiều nhất với 5.700 ha (tỷ lệ nhiễm bệnh từ 6 - 50%/cây). Tiếp đến là huyện Đồng Xuân với diện tích sắn nhiễm bệnh là 4.200 ha (tỷ lệ nhiễm bệnh 5 - 50%/cây), huyện Sơn Hòa 3.030 ha, huyện Tây Hòa 1.400 ha, huyện Phú Hòa 100 ha, huyện Tuy An 100 ha...

Ông Nguyễn Lê Lanh Đa cho biết, bệnh khảm lá virus trên cây sắn ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch và hàm lượng tinh bột trong củ sắn tùy theo mức độ và thời gian nhiễm bệnh. Bệnh do virus gây ra, hiện chưa có thuốc phòng trừ nên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây sắn và phòng trừ các loại sâu bọ là trung gian gây bệnh.

Đặc biệt, giải pháp quan trọng nhất để loại trừ hoàn toàn bệnh khảm lá virus trên cây sắn là sử dụng các giống sắn mới chưa nhiễm bệnh để thay thế cho các giống sắn đã nhiễm bệnh. Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên đang tham mưu cho UBND tỉnh khảo nghiệm một số giống sắn kháng bệnh khảm lá virus để nhân rộng cho người dân trồng.

Theo ông Nguyễn Lê Lanh Đa, hiện nay, một số giống sắn được đánh giá có khả năng kháng bệnh khảm lá virus như: HN1, HN3, HN5. Tuy nhiên, các giống này chỉ được Cục Trồng trọt công bố lưu hành giống tại khu vực Đông Nam Bộ. Do đó tỉnh Phú Yên rất khó trong việc triển khai đưa những giống mới này về địa phương để sản xuất. Các giống sắn này cũng chỉ mới được trồng khảo nghiệm trên địa bàn tỉnh và chưa nhân rộng trồng đại trà.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không trồng giống sắn HL-S11 nhiễm bệnh nặng, sử dụng các giống ít nhiễm bệnh để thay thế; khi phát hiện bệnh khảm lá virus trên cây sắn phải áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật phòng trừ của Cục Bảo vệ thực vật; không được vận chuyển thân, lá sắn ra khỏi vùng nhiễm bệnh; không lấy giống từ những khu vực bị nhiễm bệnh đề trồng trên diện tích mới.

Trong thời gian qua, cây sắn được trồng tại Phú Yên thường xuyên bị bệnh khảm lá virus. Niên vụ 2018 - 2019, diện tích sắn trên toàn tỉnh bị nhiễm bệnh là 114,6 ha; niên vụ 2019 - 2020, diện tích nhiễm bệnh là 6.197 ha; đến đầu năm 2022, bệnh khảm lá virus gây hại với tổng diện tích là 9.122 ha.

Tường Quân

Tin liên quan

Giải pháp hiệu quả phòng chống bệnh khảm lá sắn

Ngày 28/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (tổ chức FAO), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn ở Việt Nam".


Nhân giống sạch bệnh và kiểm soát nguồn lây khảm lá sắn

Bệnh khảm lá sắn lần đầu tiên xuất hiện và gây hại tại tỉnh Tây Ninh và đến nay, loại bệnh này đã xuất hiện tại 26 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện loại bệnh này đang có dấu hiệu gia tăng mạnh tại các địa phương trồng sắn. Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nguồn bệnh lây lan chủ yếu là do sử dụng giống sắn đã bị bệnh để trồng. Do vậy, việc kiểm soát nguồn bệnh lây lan theo giống nhiễm và sử dụng giống kháng bệnh là vấn đề quan trọng nhất hiện nay.


Cảnh báo bệnh khảm lá sắn lan rộng ở Đồng Nai

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, bệnh khảm lá sắn đang phát triển và lan rộng, nhiều địa phương có gần 100% diện tích trồng sắn mắc bệnh khảm lá. Điều đáng lo ngại, sau khi xuất hiện bệnh, nông dân thường bỏ ruộng rẫy, không chăm sóc khiến bệnh ngày càng lan rộng, nguy cơ khó kiểm soát được dịch bệnh.


Bệnh khảm lá sắn gây hại trở lại

Trong tháng 6 vừa qua, bệnh khảm lá trên cây sắn (khoai mì) lại xuất hiện trở lại và gây thiệt hại cho nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mặc dù trước đó tỉnh đã khống chế được dịch.



Đề xuất