Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, bệnh khảm lá sắn đang phát triển và lan rộng, nhiều địa phương có gần 100% diện tích trồng sắn mắc bệnh khảm lá. Điều đáng lo ngại, sau khi xuất hiện bệnh, nông dân thường bỏ ruộng rẫy, không chăm sóc khiến bệnh ngày càng lan rộng, nguy cơ khó kiểm soát được dịch bệnh.
Huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, là địa phương có diện tích cây sắn mắc bệnh khảm lá khá lớn trong tỉnh. Hầu hết những nông dân ở đây khi phát hiện diện tích cây sắn của nhà mình mắc bệnh thường sẽ bỏ luôn, không chăm sóc.
Gia đình bà Lý Nhục Ký ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu trồng hơn 1 ha sắn. Hai năm trở lại đây, diện tích trồng sắn của gia đình bà thường xuyên bị nhiễm bệnh khảm lá sắn. Cùng với những hộ dân khác ở trong vùng, mỗi lần bà Lý Nhục Ký phát hiện vườn của mình bị mắc bệnh khảm lá, bà liền ngưng chăm sóc để giảm bớt chi phí.
Bà Lý Nhục Ký cho biết, ở quanh khu vực này có nhiều hộ gia đình trồng sắn với diện tích lớn và cũng bị mắc bệnh quăn hết lá. Những hộ dân đó họ chuyên trồng sắn với quy mô lớn mà cũng bị nhiễm bệnh nên với những hộ trồng nhỏ lẻ như gia đình bà thì cũng không thể tránh khỏi. Do đó khi phát hiện bệnh gia đình thường để vậy, ngừng chăm sóc để giảm chi phí, năng suất cuối vụ thu được bao nhiêu thì thu.
Tại huyện Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai, toàn huyện có hơn 400 ha trồng sắn; trong đó, đã có khoảng 390 ha nhiễm bệnh khảm lá. Hiện tại các diện tích sắn bị mắc bệnh đều xoăn lá, củ ít, nhỏ, độ bột thấp. Chỉ còn một số diện tích do trồng biệt lập, cách xa nhau nên không bị nhiễm bệnh. Thời điểm này do cây sắn đã lớn, phun xịt thuốc không hiệu quả nên nông dân ở đây thường bỏ ngang, không chăm sóc nên bệnh khảm lá lây lan nhanh sang các diện tích khác.
Gia đình chị Lê Thị Bằng xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, trong quá trình trồng sắn do thiếu giống, chị đã chủ động mua thêm giống ở nơi khác về trồng. Thời gian đầu cây sắn phát triển tốt, nhưng được khoảng 20 ngày tuổi, cây bắt đầu xuất hiện bệnh. Gia đình chị đã mua thuốc về phun xịt nhưng không hết bệnh nên chị bỏ không chăm sóc.
“Những năm trước trồng sắn, dù cũng có nhiều loại bệnh nhưng chỉ cần xịt thuốc là hết bệnh, cây vẫn cho năng suất cao. Từ khi mắc bệnh này chúng tôi đã xịt nhiều loại thuốc, thử nhiều cách nhưng nó vẫn không hết bệnh. Do đó chúng tôi bỏ luôn vườn, chờ thu hoạch được bao nhiêu thì “ăn” bấy nhiêu thôi” bà Lê Thị Bằng chia sẻ.
Ông Ngô Văn Tuyền Lâm, kỹ sư Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ cho biết, trước đây chúng tôi luôn luôn khuyến cáo bà con nông dân, khi trồng xong những vụ trước nên tiêu hủy, không nên để làm giống cho vụ sau; đối với những diện tích đã bị mắc bệnh phải lập tức nhổ bỏ, tránh làm lây lan dịch bệnh.
Tuy nhiên nhiều hộ dân do không mua được giống nên đã lấy giống cũ từ vụ trước. Hơn nữa các diện tích trồng sắn ở đây thường gần nhau, chỉ cần một diện tích nhỏ mắc bệnh, người dân bỏ mặc không nhổ bỏ, chăm sóc là sẽ lây lan ra những diện tích khác rất nhanh.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, bệnh khảm lá sắn là bệnh do côn trùng bọ phấn trắng gây nên. Bệnh thường có biểu hiện lá bị vàng và hơi xoăn, đây là loại bệnh có khả năng lây lan nhanh, đến nay chưa có thuốc chữa.
Theo điều tra tại những hộ trồng sắn đã thu hoạch, đối với những diện tích mắc bệnh năng suất và độ bột của củ sắn sẽ bị giảm từ 20 - 40% so với thông thường. Do đó, khi phát hiện bệnh, người dân phải tiến hành nhổ bỏ và tiêu hủy ngay diện tích sắn đã mắc bệnh để tránh lây lan sang khu vực khác.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân theo dõi sát vườn để kịp thời phát hiện ra bọ phấn, khi có những dấu hiệu bất thường trên cây sắn phải đến ngay trạm bảo vệ thực vật địa phương để được hướng dẫn thuốc và cách phun xịt.
Bà con lưu ý không nên phun xịt quá nhiều, quá lạm dụng, sẽ không mang lại kết quả, ngược lại còn gây ra hiện tượng kháng thuốc đối với bọ phấn. Đồng thời, để ngăn chặn tình trạng bùng phát dịch bệnh khảm lá sắn trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp đang tiến hành kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra việc vận chuyển hom giống từ các vùng có dịch đến nơi chưa có dịch.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá sắn tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.400 ha diện tích cây sắn nhiễm bệnh khảm lá; trong đó, hơn 1.400 ha bị nhiễm nặng với tỷ lệ cây bị nhiễm hơn 70%. Vụ Hè Thu năm 2020, toàn tỉnh Đồng Nai gieo trồng trên 10.000 ha sắn. Như vậy, diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá lớn hơn 50% trên tổng diện tích cây trồng.
Các địa phương có diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn nặng gồm: huyện Long Thành, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc… Với tình trạng hiện nay, nguy cơ dịch khảm lá sẽ tiếp tục lan rộng là rất lớn.
Lê Xuân