Ngày 28/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (tổ chức FAO), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn ở Việt Nam".
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương cho biết, bệnh khảm lá sắn lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 6/2017, diện tích 20 ha ở tỉnh Tây Ninh, sau đó lan rộng ra các tỉnh khác với diện tích ngày càng tăng. Ngay sau khi phát hiện bệnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản, cử nhiều đoàn cán bộ cùng các địa phương chỉ đạo, thực hiện quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên bệnh vẫn tiếp tục bùng phát, lây lan.
Ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thấy rằng, trong phòng chống bệnh khảm lá sắn, giống kháng là chìa khóa quan trọng nhất.
Do đó, hội thảo nhằm xem xét, thảo luận các phương pháp nhân giống kháng, cách thức tổ chức nhân giống kháng để sớm quản lý bệnh khảm sắn hiệu quả.
Theo báo cáo của Hiệp hội sắn Việt Nam, diện tích trồng sắn trên cả nước hiện ổn định khoảng 530.000 ha. Từ cây trồng cho người nghèo, cây sắn đã trở thành cây xuất khẩu quan trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam đạt 1,73 triệu tấn, trị giá 754,25 triệu USD, tăng 9% về lượng và tăng 23,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines.
Diện tích sắn bị nhiễm bệnh năm 2021 là 120.686 ha; làm sụt giảm khoảng 15% sản lượng củ sắn tươi, tương đương khoảng 1,5 triệu tấn, khoảng 2.500 tỷ đồng. Năm 2022, bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước với 70.910 ha và có dấu hiệu gia tăng tại các địa phương trồng sắn.
Diễn biến của dịch bệnh khảm lá làm sụt giảm sản lượng, năng suất sắn, các nhà máy đối diện với nguy cơ thiếu nguyên liệu cho vụ sản xuất 2022-2023.
Tại hội thảo, đại biểu đã được thông tin về tình hình bệnh khảm lá sắn xâm nhập vào Việt Nam và công tác chỉ đạo phòng, chống bệnh; báo cáo hợp tác quốc tế trong công tác chọn tạo giống sắn kháng bệnh; kế hoạch chọn tạo giống sắn kháng bệnh, giống sắn chất lượng cao; chương trình hỗ trợ quản lý bệnh khảm lá sắn tại Việt Nam. Trường Đại học Tây Nguyên thông tin về phương pháp nhân giống sắn kháng bệnh khảm lá trong nhà màng. Trung tâm nguyên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc thông tin về phương pháp nhân nhanh giống sắn bằng hom ngắn…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó Trưởng khoa Nông lâm nghiệp trường Đại học Tây Nguyên cho rằng, để giải quyết được bệnh khám lá sắn thì vấn đề về giống là căn nguyên, do đó cần phải sớm nhân giống sắn kháng bệnh phục vụ sản xuất. Để nhân giống nhanh thì mỗi tỉnh, thành, mỗi nhà máy nên có một nhà màng. Nhà màng cung cấp hệ số nhân giống cao.
Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương, để đưa nhanh các giống sắn kháng bệnh khảm sắn lá vào sản xuất, cần có sự phối hợp và tận dụng hết các nguồn lực sẵn có ở các Viện, Trung tâm nghiên cứu và địa phương. Đến nay Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra 6 giống kháng bệnh khảm lá sắn; trong đó, giống HN3, giống HN5 đã được công nhận ở vùng Đông Nam Bộ, 4 giống còn lại là HN36, HN97, HN80, HN1 đang được đánh giá để công nhận cho các vùng khác.
Tuy nhiên, trước khi hoàn thiện bộ giống phù hợp, nông dân trồng sắn nên chọn những giống theo khuyến cáo của địa phương.
Dịp này, Cục Bảo vệ thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam và Hiệp hội sắn Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác ngăn chặn hiệu quả bệnh khảm lá sắn, nhân nhanh giống sắn sạch bệnh, giống sắn kháng bệnh phục vụ sản xuất.
Trước đó, ngày 27/7, đại biểu đã đi tham quan mô hình nhân giống sắn kháng bệnh khảm lá trong nhà màng tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Tây Nguyên.
Hoài Thu