Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao hoạt động của ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình trong những tháng đầu năm 2019. Qua đó, địa phương đã chủ động thực hiện đề án và kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp, dự án tại địa phương. Tham mưu thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm được triển khai đến các địa bàn... Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu rõ một số hạn chế còn tồn tại của địa phương như: tái cơ cấu ngành còn chậm, hiệu quả chưa cao. Một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với đầu ra thị trường còn bất cập cần sửa đổi, bồ sung cho phù hợp. Đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn ít, việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất tạo cánh đồng lớn để sản xuất còn nhiều hạn chế. Hoạt động các Hợp tác xã nông nghiệp chưa thực sự gắn kết giữa các xã viên và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm mô hình chăn nuôi bò thịt tại Công ty Cổ phần chăn nuôi T&T 159. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát tại các địa phương, ngành chăn nuôi phải tái cơ cấu lại theo hướng phát triển các loài gia súc ăn cỏ để phù hợp với thực tiễn hiện nay. Nông dân cần tận dụng các phế phẩm từ cây mía, ngô, lúa để biến thành các sản phẩm cạnh tranh có điều kiện. Ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị Chính phủ ưu tiên nguồn lực cho tỉnh thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học công nghệ 4.0. Sửa đổi quy định về hạn điền tạo điều kiện cho người sản xuất có nhu cầu tích tụ đất đai, sản xuất nông sản quy mô lớn. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, từ đầu năm đến nay chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn phát triển tương đối ổn định, đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Mặc dù vậy, chăn nuôi lợn giảm do thị trường tiêu thụ không ổn định, tình hình dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả châu Phi xảy ra, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến ngành sản xuất chăn nuôi trên địa bàn. Tính đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 20 xã, phường của 4 huyện, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với tổng số lợn tiêu hủy là 563 con. Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi thăm mô hình chăn nuôi bò thịt tại Công ty cổ phần Chăn nuôi T&T 159, xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình. Công ty có tổng diện tích đất quy hoạch là 19 ha với dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phụ phẩm nông nghiệp có công suất từ 200 - 210 tấn/ngày.
Thanh Hải