Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất cả nước với trên 360 ngàn người, chiếm hơn 31% dân số của tỉnh. Những năm qua, với sự quan tâm và những chính sách hỗ trợ đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, đời sống của đồng bào Khmer Sóc Trăng đã thay đổi nhanh chóng, không ngừng nâng lên cả vật chất lẫn tinh thần.

Đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, đồng bào Khmer Sóc Trăng vui hơn với một vụ mùa thu hoạch thắng lợi, đời sống người dân phát triển, được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn, hướng dẫn cách làm ăn, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, tăng thêm thu nhập nên Tết đến nhà nhà vui hơn. Đặc biệt, hàng ngàn hộ dân nghèo khó, trong đó có hơn 2.000 hộ đồng bào Khmer chỉ trong 4 tháng qua đã được trao nhận nhà. Có những ngôi nhà mới khang trang hơn từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ phát động, tỉnh, huyện, địa phương làm quyết liệt…
Theo ông Lâm Hoàng Mẫu, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Sóc Trăng, năm nay, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Sóc Trăng diễn ra từ ngày 14-16/4 và tỉnh đã triển khai thực hiện, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí, hỗ trợ vật chất tinh thần cho bà con có một cái Tết vui tươi, ấm áp.



Trong ngày 15/4, tại chùa Phnô Rô Ka, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tổ chức họp mặt Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer với sự tham dự của lãnh đạo các cấp ngành tỉnh, đông đảo bà con Phật tử Khmer, sư sãi tại địa phương. Tại chương trình, sư sãi, Phật tử, bà con trong phum, sóc đã được vui chơi, ca hát, thưởng thức các tiết mục văn hóa, văn nghệ âm điệu đậm đà bản sắc dân tộc đồng bào Khmer, lồng ghép những chương trình tuyên truyền đồng bào chấp hành tốt chính sách, pháp luật, tích cực tham gia xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh…
Trước đó, từ ngày 9-13/4, Ban chỉ đạo Tết Quân dân tỉnh Sóc Trăng cũng đã tổ chức chương trình Tết Quân dân mừng Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer tại xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị với nhiều hoạt động hỗ trợ giúp dân đón Tết, xây sửa nhà cửa, đường xá, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, hạ tầng cơ sở phục vụ đồng bào Khmer tại địa phương, quyên góp hỗ trợ, tặng quà đồng bào Khmer khó khăn với tổng số tiền thực hiện làm các công trình, tặng quà, hỗ trợ nhân dân lên tới 8 tỷ đồng.
Tại chùa Bét Tôn, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, trong những ngày này, không khí đang rất sôi nổi. Nhà chùa phối hợp với huyện Mỹ Tú và Đài Phát thanh truyền hình Sóc Trăng tổ chức giải bóng đá Nông dân Khmer lần thứ 2/2025 được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh truyền hình Sóc Trăng với sự tham dự của 32 đội bóng ở nhiều địa phương trong tỉnh, tạo sân chơi bổ ích, khí thế vui tươi cho các thanh niên nông dân Khmer sau vụ đồng áng vất vả…


Giải bóng đá đã được tổ chức hơn 20 năm qua vào dịp mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây đồng bào Khmer, qua đó tạo sân chơi cho đồng bào Khmer ở địa phương. Anh Thạch Phươl (huyện Châu Thành) cho biết, giải bóng đá nông dân Khmer năm nay đã cống hiến cho khán giả những trận đấu đẹp mắt, với những pha bóng hấp dẫn không thua bóng đá chuyên nghiệp. Giải đấu đã tạo sân chơi cho đồng bào dân tộc Khmer trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương trong phát triển các phong trào thể dục thể thao vùng đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương.
Theo lãnh đạo Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Sóc Trăng, từ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và nhà nước, các cấp, ngành hỗ trợ, vùng đồng bào Khmer tại Sóc Trăng ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ hộ Khmer nghèo đến nay giảm mạnh, chỉ còn 1,91%; kết cấu hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, toàn tỉnh có 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn và 100% ấp, khóm có điện lưới quốc gia; có 75/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới…

Xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) có trên 93% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Sau 50 năm thống nhất đất nước, diện mạo phum, sóc nơi đây không ngừng đổi mới, đời sống vật chất tinh thần người dân từng bước nâng lên. Ông Lý Đương (ấp Bưng Cóc, xã Phú Mỹ) kể: Những ngày đầu khi đất nước mới thống nhất, kinh tế của đồng bào nơi đây đều khó khăn, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, hộ nghèo chiếm trên 50%. Qua quá trình đất nước đổi mới, phát triển, sự quan tâm hỗ trợ lớn của Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây cũng được nâng lên từng bước.
Ông Thạch Minh Lây, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú cho biết, từ các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là ba chương trình mục tiêu quốc gia mà Sóc Trăng được phân bổ với nguồn vốn hàng khá lớn, nên tất cả tuyến đường trục xã và liên xã, đường ấp đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, giúp ô tô đi lại thuận tiện. Ngoài hạ tầng cơ sở được đầu tư khang trang, đồng bào Khmer nơi đây đã triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao; vùng chuyên canh màu; nuôi bò thịt, bò sữa...
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho rằng, trong thời gian tới, Sóc Trăng sẽ tiếp tục quan tâm đến việc phát triển hạ tầng, thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, đẩy mạnh thực hiện và nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer, trong đó phấn đấu đến cuối tháng 6/2025 này hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên 8.650 căn nhà cho hộ dân khó khăn, trong đó, trên 50% số căn thuộc diện hộ đồng bào Khmer.
Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa của các dân tộc Khmer; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng phum, sóc, quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp.
Trung Hiếu