Nói đến Ninh Thuận thì hầu như ai cũng đều biết đến, đó là địa phương của “nắng và gió” với đặc trưng “gió như phang, nắng như rang”. Nắng chói chang từ trên trời đổ xuống, nắng từ đất bạc khô cằn hắt lên… đã làm cho Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn về nguồn nước. Những năm về trước, mùa hạn đến là Ninh Thuận lại phải "gồng mình" tìm nguồn nước để cứu khát cho người dân ở một số địa phương, rất vất vả.

Khó… khổ vì nước
Ninh Thuận là dải đất cực Nam Trung Bộ, do vị trí địa lý đặc biệt, có nhiều dải núi che chắn nên lượng mưa trung bình rất thấp. Đến khoảng năm 2000, cả tỉnh mới xây dựng được 4 hồ chứa với tổng dung tích hơn 6 triệu m3 nước và chỉ đủ tưới cho 720 ha đất. 5 năm tiếp theo chỉ có một công trình thuỷ lợi hồ Tân Giang (ở xã Phước Hà) được khánh thành với dung tích chứa trên 13 triệu m3 để cứu khát cho cánh đồng khô khóc ở một số địa phương khu vực phía Nam của tỉnh.
Đến năm 2011, tỉnh Ninh Thuận được hỗ trợ và đã nỗ lực xây được 11 hồ chứa với tổng dung tích gần 214 triệu m3 nước, tưới tiêu cho trên 10.500 ha đất. Riêng hồ Sông Trâu (ở huyện Thuận Bắc) hoàn thành năm 2006 với dung tích 31 triệu m3 nước, gấp 5 lần tổng dung tích của toàn bộ các hồ chứa có trước năm 2000.

Tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ, bởi một số địa phương ở khu vực phía Nam của tỉnh vẫn còn đó những cánh đồng một vụ "ăn nước trời" thấp thỏm mùa được, mùa mất, sản lượng kém. Có những cánh đồng rộng khắp, phì nhiêu phải nằm phơi nắng kéo dài cả năm trời để chờ mưa. Nước không những thiếu cho sản xuất, chăn nuôi mà một số nơi còn thiếu cho cả sinh hoạt.
Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận, ông Dương Đình Phương cho hay, Trung tâm hiện quản lý 40 hệ thống nhà máy cấp nước ở 6 huyện trong tỉnh. Vào mùa khô, một số địa phương ở xã Bắc Sơn (huyện Thuận Bắc); xã Hòa Sơn, xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn); xã Vĩnh Hải, xã Công Hải (huyện Ninh Hải)… thường xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Thời điểm đó, Trung tâm thường thực hiện giải pháp khơi thông dòng chảy lấy nước từ các kênh, mương có nước để đưa về trạm bơm, bơm cấp cho một số nhà máy nước. Có lúc một số nơi không còn nước, Trung tâm phối hợp với địa phương, lực lượng quân sự, công an… doanh nghiệp chở nước đến phục vụ tận nơi cho nhân dân.

Người dân ở xã vùng cao Ma Nới (huyện Ninh Sơn) còn nhớ như in và kể lại, khoảng từ năm 2010 đến 2015, cứ đến mùa hạn là người dân lại phải vất vả tìm đến các khe suối, gốc cây để đào tìm nước chở về sinh hoạt, mặc dù đó là nguồn nước không đảm bảo chất lượng nhưng có để dùng cho sinh hoạt là quá vui rồi.
Hiện thực “giấc mơ” nguồn nước
Mong sớm thoát khỏi cảnh thiếu nước tưới, nước sinh hoạt luôn là trăn trở lớn của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận qua các thời kỳ. Để giải quyết bài toán về nguồn nước một cách hiệu quả, thời gian qua, bằng nhiều nguồn lực hỗ trợ, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi mang tính chiến lược.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, từ trước tới nay, điều quan trọng nhất đối với Ninh Thuận đó là: “Nước, nước và nước”. Để hiện thực “giấc mơ” về nguồn nước, tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, huy động nhiều nguồn lực từng bước đầu tư mạng lưới thủy lợi theo lộ trình, nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của tất cả người dân.
Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 thích ứng biến đổi khí hậu. Mục tiêu là nghiên cứu toàn diện, tổng thể hệ thống cấp nước cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt nông thôn, thoát lũ và phòng, chống xâm nhập mặn.

Ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, trước đây nguồn nước ở tỉnh chỉ đủ phục vụ cho khoảng 26.000 ha. Sau 33 năm, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của ngành thủy lợi, của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đến nay tỉnh đã xây dựng được 23 hồ chứa với dung tích trên 417 triệu m3 nước, lượng nước tăng gấp đôi so với năm 2020; 5 đập dâng trên sông; hơn 1.000 km tuyến kênh chính, kênh cấp I; hơn 157 km tuyến đường ống và hàng ngàn tuyến kênh nội đồng được đầu tư.
Đến thời điểm này, diện tích phủ tưới của tỉnh trên 80.000 ha, tăng gần 30 lần so với những năm đầu tái lập tỉnh. Đáng mừng hơn, những mảnh đất hoang hóa, không sản xuất được trước đây nay, giờ đã được phủ xanh rộng khắp nhờ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (huyện Bác Ái) với dung tích trên 219 triệu m3 được kết nối bằng các tuyến đường ống, đưa nước đến bổ sung các hồ để phục vụ tưới với diện tích hơn 2.000 ha và tiếp nước cho công trình đập Nha Trinh-Lâm Cấm, phục vụ cả nước tưới và nước sinh hoạt. Đặc biệt các hệ thống thủy lợi cũng góp phần cắt lũ cho vùng hạ du, góp phần giảm nhẹ thiên tai hằng năm rất hiệu quả.

Ông Nguyễn Công Xưng cho hay, dự kiến sau năm 2025 khi Chính phủ đồng ý, tuyến đường ống từ Tân Mỹ sẽ được kết nối tiếp nước đến hồ Bà Râu, Sông Trâu (huyện Thuận Bắc) và tiếp về hồ ông Kinh (huyện Ninh Hải); qua đó sẽ tăng diện tích tưới 3 vụ/năm cho hơn 1.000 ha ở vùng này.
Sau này, khi công trình hồ chứa nước Sông Than (huyện Ninh Sơn) dung tích 85 triệu m3 hoàn thành sẽ tiếp tục kết nối tuyến đường ống từ hồ này tiếp nước về hồ Lanh Ra, Bầu Zôn (huyện Ninh Phước). Bên cạnh đó, tỉnh sẽ bổ sung tuyến đấu nối liên thông hồ chứa từ hồ Tân Giang về hồ Sông Biêu (huyện Thuận Nam), qua đó sẽ giải quyết được bài toán thiếu nước tưới ở vùng dạ du của huyện.
Đất khát nở rộ màu xanh
“Gió như phang - Nắng như rang” vẫn sẽ còn gắn mãi với vùng đất Ninh Thuận, nhưng tới đây cái “khát” vì nước sẽ không còn với Ninh Thuận nữa, bởi các công trình thủy lợi nghìn tỷ với dung tích chứa lớn đã và đang hoàn thành, được kết nối liên thông, nguồn nước được tiếp từ nơi nước nhiều đến nơi thiếu nước đã giúp tăng diện tích sản xuất đáng kể, phục vụ cơ bản nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Thuận Trương Khắc Trí cho biết, nhờ chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống thủy lợi, đến nay tỉnh cơ bản đã xóa được vùng đất khát tại nhiều địa phương trong tỉnh; đặc biệt là không còn tình trạng phải chở nước cấp sinh hoạt cho người dân như trước đây nữa. Cuối năm 2024, toàn tỉnh đã mở rộng, khôi phục hơn 1.960 ha đất chủ yếu mở rộng từ vùng tưới của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp trong năm lên 25,5%. Có nước tưới, nhiều vùng đất khô cằn dần được hồi sinh, trở thành những vùng sản xuất nho, táo, hành, tỏi, măng tây xanh, nha đam, dưa lưới có giá trị kinh tế cao. Đồng thời người dân có thêm điều kiện khai thác hết diện tích đất có khả năng sản xuất từ 1 vụ lên 2 đến 3 vụ/năm, góp phần vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp.
Ông Chamaléa Phin (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc) phấn khởi cho biết, khi có nước dẫn từ hồ Sông Trâu về, ông đã đầu tư cải tạo đất hoang hóa, mở rộng diện tích trồng lúa lên 1 ha và sản xuất 3 vụ/năm. Không lo thiếu nước, ông mạnh dạn đầu tư canh tác và năng suất bình quân đạt hơn 60 tạ/ha/vụ. Nhờ đó gia đình ông có thêm nguồn thu nhập, cuộc sống được nâng cao.
Tại xã An Hải (huyện Ninh Phước), trước đây chỉ là vùng đất cát, khó sản xuất vì không có nước. Kể từ khi có nước đưa về, vùng này đã thu hút nhiều doanh nghiêp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Người dân gắn bó lâu đời với vùng đất khó này cũng đã mạnh dạn đầu tư phát triển và xanh hóa vùng đất bằng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước) cho biết, được sự hỗ trợ của tỉnh, của ngành nông nghiệp, nguồn nước đã được tiếp đến vùng đất cát của xã để người dân sản xuất. Giờ đây, vùng đất cát này đã được bao phủ bởi màu xanh của cây măng tây xanh rất giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể cuộc sống người dân, thành viên hợp tác xã.
Để đảm bảo diện tích sản xuất khoảng 80.000 trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận cũng rất mong Trung ương quan tâm hỗ trợ, đầu tư kết nối liên thông các hồ chứa. Hiện nay, các công trình thủy lợi của tỉnh được đầu tư qua thời gian hơn 40 năm, giờ đã xuống cấp, hư hỏng cần được sửa chữa. Đồng thời, sớm ban hành cơ chế chính sách về giá dịch vụ công ích thủy lợi để các đơn vị khai thác thủy nông có nguồn thu đầu tư, tu sửa công trình, nhằm đảm bảo ổn định nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, sinh hoạt bền vững.
Công Thử