Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, từ đầu tư công cho tới các chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nổi bật là chồng lấn quy hoạch mỏ khoáng sản bô xít Đắk Nông và thực trạng huyện chưa có mỏ đất san lấp nào được cấp phép khai thác.

Nhiều vướng mắc “vĩ mô”, tỷ lệ giải ngân đạt thấp
Theo báo cáo của Sở Tài chính Đắk Nông, hết quý I/2025, các chủ đầu tư trong toàn tỉnh đã giải ngân được gần 300/3.600 tỷ đồng vốn đầu tư công của năm 2025, đạt tỷ lệ gần 8%. Trong đó, huyện Đắk Glong chỉ giải ngân được hơn 3 tỷ/104 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3%.
Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo mới nhất của UBND huyện Đắk Glong cho thấy, tổng vốn đã giải ngân cho 3 chương trình (phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới; và giảm nghèo bền vững) trong giai đoạn 2022 – 2025 là gần 500/915 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 55% kế hoạch vốn được giao.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông vào cuối tháng 3/2025 vừa qua, ông Vũ Tiến Lư, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đắk Glong nhấn mạnh tới tính khẩn trương trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân chung của 3 chương trình trong cả giai đoạn (2022 – 2025) mới chỉ đạt trên 50%. Tuy nhiên, với đặc thù địa hình đa phần là đồi bát úp và đồi dốc, chia cắt mạnh, các dự án, công trình triển khai trên địa bàn huyện Đắk Glong đều cần khối lượng lớn đất san lấp lớn. Tuy nhiên, trên địa bàn hiện chưa có mỏ đất san lấp được cấp phép khai thác và việc triển khai nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, mở mới, nâng cấp được giao thông… đều giậm chân tại chỗ do vướng mắc này.
“Đây được coi là nút thắt lớn đối với huyện Đắk Glong trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án và hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia theo kế hoạch đã được trung ương và tỉnh giao. Để tháo gỡ nút thắt này, huyện Đắk Glong đề xuất với tỉnh chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương thực hiện quy hoạch, đấu giá và cấp quyền khai thác mỏ vật liệu san lấp, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện để các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các dự án, tiến độ giải ngân”, ông Vũ Tiến Lư đề xuất.
Theo UBND huyện Đắk Glong, huyện là một trong hai địa phương được ưu tiên trong quá trình phân bổ, bố trí vốn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trong giai đoạn 2022 – 2025, Đắk Glong được giao hơn 915 tỷ đồng để thực hiện các chương trình này. Đến nay, huyện mới giải ngân được gần 500 tỷ đồng. Cụ thể, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân được khoảng 175 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giải ngân được gần 40 tỷ đồng; Và chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giải ngân được hơn 260 tỷ đồng.
Theo ông Trần Nam Thuần, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện đã thực sự tạo được những bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ người dân.

“Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, sửa chữa ngày càng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân nông thôn; chất lượng giáo dục, y tế và phát triển văn hóa ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị tiếp tục được cũng cố vững chắc; an ninh trật tự nông thôn luôn được giữ vững; thu nhập và điều kiện sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao hơn… Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn cần sớm được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, ông Trần Nam Thuần chia sẻ thêm.
Bên cạnh thiếu mỏ đất san lấp, theo UBND huyện Đắk Glong, một vướng mắc lớn hiện nay là tình trạng chồng lấn quy hoạch mỏ bô xít Đắk Nông (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg, ngày 18/7/2023 về phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) với ranh giới, khu vực dự kiến triển khai một số dự án. Theo đó, phần lớn diện tích tại các xã Quảng Sơn, Đắk Ha và một phần các xã Quảng Khê, Đắk R’măng, Đắk Som hiện đang nằm trong ranh quy hoạch bô xít và nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, ổn định dân di cư không theo quy hoạch thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đều nằm trên địa giới hành chính các xã này.
Nhiều giải pháp linh hoạt, kịp thời để giải ngân vốn
Trong khi chờ đợi các khó khăn, vướng mắc liên quan tới chồng lấn quy hoạch khoáng sản và các nội dung liên quan tới đất san lấp, bãi thải công trình được các cơ quan chức năng giải quyết, tháo gỡ, huyện Đắk Glong đã có nhiều giải pháp linh hoạt, kịp thời, đúng quy định để đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án, góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư và đảm bảo quyền được thụ hưởng của người dân và các đối tượng liên quan.
Điển hình là các chương trình hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đối với các nội dung này, huyện Đắk Glong đã thành lập tổ hỗ trợ riêng cho từng tiểu dự án. Các tổ hỗ trợ bao với thành viên là các phòng, ban liên quan của huyện đã phối hợp với chính quyền các xã triển khai sớm, nhanh các giải pháp để hỗ trợ người dân.

Từ việc thực hiện các trình tự thủ tục, kinh phí để thực hiện đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo các điều kiện đúng, đủ để xây dựng nhà theo quy định. Các khó khăn, vướng mắc liên quan tới hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt... cũng dần được tháo gỡ và giúp các dự án sớm được triển khai và các đối tượng thụ hưởng được đảm bảo. Đến nay, Đắk Glong đã hoàn thành được khoảng 60% chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo; hơn 30% kế hoạch vốn chương trình hỗ trợ nước sạch... Nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan tới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc chồng lấn quy hoạch, các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính đã được hỗ trợ tháo gỡ.
Tương tự, là một huyện nghèo, dân cư sống phân tán và nhiều năm nay vẫn là địa điểm thu hút dân di cư không theo quy hoạch từ các tỉnh biên giới phía Bắc, hiện Đắk Glong vẫn là “vũng trũng” về giáo dục, y tế so với các địa phương khác của tỉnh Đắk Nông. Trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ngành chức năng của tỉnh và huyện đã ưu tiên nguồn lực cho phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, một trong các trọng tâm là đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, huyện Đắk Glong đã đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và chuẩn hóa các trường học, cơ sở giáo dục theo quy định. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện, mở 37 lớp xoá mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Kết quả, tỷ lệ người mù chữ đã giảm hơn 1.000 người (từ gần 7.200 người vào năm 2022 xuống còn gần 6.000 người), đạt và vượt so với kế hoạch giai đoạn đề ra.
“Việc người dân đã biết đọc, biết viết, biết tính toán, phân biệt được tên các loại thuốc trừ sâu, phân bón, các hàng hóa... và đặc biệt là sử dụng được các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống hàng ngày đã góp phần quan trọng trong nâng cao trình độ dân trí, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững”, ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong chia sẻ.
Bên cạnh đó, UBND huyện Đắk Glong cũng tập trung nguồn lực và đẩy nhanh tiểu dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Toàn huyện đã triển khai 36 dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế với gần 400 hộ dân được thụ hưởng. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 70%, còn lại là hộ cận nghèo, hộ vừa mới thoát nghèo. Các mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đều được lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, phong tục tập quán của bà con và đã giúp đa số các hộ dân tham gia phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như các dự án nuôi dê, nuôi bò sinh sản; hỗ trợ thâm canh cà phê, hồ tiêu; trồng dâu nuôi tằm...

Đối với các dự án đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều vướng mắc, dẫn tới khối lượng thi công đạt thấp và không đạt kế hoạch giải ngân, huyện Đắk Glong đã thực hiện điều chỉnh nguồn vốn theo quy định tại Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 25/6/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc lựa chọn các huyện Đắk Glong và Tuy Đức để thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 – 2025; Nghị quyết số 111/2024/QH15, ngày 18/1/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, huyện Đắk Glong đã thực hiện điều chỉnh hơn 155 tỷ đồng vốn từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án đã có khối lượng và có tỷ lệ giải ngân cao; từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án còn đối tượng, nhiệm vụ chi theo quy định; và chuyển đổi, điều chỉnh từ từ vốn sự nghiệp qua đầu tư...
Phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Đắk Glong về tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025 được tổ chức vào cuối tháng 3/2025 vừa qua, ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, địa phương cần khẩn trương tìm cách để làm, ưu tiên hấp thụ hết các nguồn vốn. Trong trường hợp không làm được thì chuyển đổi, điều chỉnh, nhưng phải bảo đảm đúng quy định. Địa phương cần tập trung thực hiện rốt ráo việc giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, không để những thông tin liên quan tới sáp nhập làm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung hỗ trợ huyện Đắk Glong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án và hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch.
Minh Hưng