Với đặc thù là tỉnh vùng cao biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những năm qua tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp giảm nghèo nhằm tạo sinh kế, hỗ trợ việc làm, thay đổi cách làm kinh tế để giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.
Những chuyển biến tích cực
Lai Châu là tỉnh biên giới với 20 dân tộc; trong đó có hơn 85% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh Lai Châu đã lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi; hỗ trợ cây, con giống, máy móc, mô hình sản xuất… Trong đó, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư cho những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới.
Tới huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) vào những ngày đầu đông, dọc trên các tuyến đường, bản làng của huyện, đâu đâu cũng thấy hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang. Đặc biệt, đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế được kiên cố hóa. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng quê biên giới không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Cách trung tâm huyện Mường Tè khoảng hơn 20 km, Pa Vệ Sủ - xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè nay đã khoác lên mình một diện mạo mới. Toàn xã có hơn 30 km đường biên giới, 12 bản, 3 cụm dân cư và 9 dân tộc cùng sinh sống; trong đó có 2 dân tộc sinh sống lâu đời là dân tộc La Hủ và Mảng (hơn 90% dân số là người dân tộc La Hủ).
Do địa hình phức tạp, giao thông cách trở cùng với trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác lạc hậu khiến tỷ lệ hộ nghèo nơi đây luôn ở mức cao. Vì vậy, công tác xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân Pa Vệ Sủ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là nhiệm vụ cấp thiết đối với đảng bộ, chính quyền địa phương.
Ông Giàng Ha Cà, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ cho biết, được sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương về chương trình giảm nghèo bền vững, xã đã rà soát những hộ gia đình nằm trong chương trình để hỗ trợ về vốn, giống cây, con và vật tư nông nghiệp. Trong đó, xã xác định chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng và phát triển chăn nuôi là mũi nhọn về kinh tế để nâng cao năng suất, sản lượng. Đến nay, chăn nuôi gia súc toàn xã đạt 1.750 con, gần 2.260 con gia cầm và nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả.
Đồng thời, xã còn chỉ đạo các bản tập trung rà soát và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; chú trọng chăm sóc, bảo vệ rừng, bình quân hàng năm mỗi hộ dân được nhận hơn 20 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Cùng với việc giúp đỡ bà con đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, chính quyền xã Pa Vệ Sủ thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở để bám, nắm địa bàn, kịp thời giải quyết khúc mắc trong dân; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới.
Hết năm 2022, Pa Vệ Sủ phấn đấu sản lượng lương thực có hạt đạt trên 1.600 tấn, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 6% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 88,5% (năm 2021) xuống còn 81,6% theo tiêu chí mới; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 86%... Qua đó, giúp nhân dân cải thiện cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Đơn cử gia đình bà Ly Mỳ Hừ, dân tộc La Hủ ở bản Seo Thèn, xã Pa Vệ Sủ trước đây thuộc diện hộ nghèo. Khi được Nhà nước hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, bà Hừ đã trồng 2 sào ruộng lúa và chăn nuôi lợn, chăm sóc bảo vệ rừng. Đến nay, kinh tế gia đình khá hơn mỗi năm thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng và thoát nghèo.
Tương tự, gia đình ông Ly Hà Xá, dân tộc La Hủ ở bản Seo Thèn, xã Pa Vệ Sủ hiện nuôi 15 con lợn, gần 100 con ngan, gà và kết hợp thêm buôn bán hàng tạp hóa. Đến nay gia đình ông có thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Ông Xá chia sẻ, gia đình ông trước đây thuộc diện hộ nghèo, đời sống rất khó khăn, thiếu thốn. Được sự hướng dẫn của cán bộ xã, ông đã mạnh dạn chuyển đổi các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả. Năm 2020, gia đình ông đã thoát nghèo, nhưng nay do tiêu chí mới nên gia đình ông vẫn nằm trong diện hộ nghèo. Ông sẽ phấn đấu phát triển kinh tế để sớm thoát nghèo.
Tập trung đầu tư vùng khó
Mường Tè có 13 dân tộc sinh sống, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có các dân tộc đặc biệt khó khăn như Si La, Cống, Mảng, La Hủ. Toàn huyện có 6 xã biên giới: Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ và 12/14 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trình độ dân trí thấp, đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông và các công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo cao.
Trước thực trạng trên, Đảng bộ và chính quyền huyện Mường Tè đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển góp phần giúp Mường Tè thay đổi diện mạo.
Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho hay, với đặc thù là huyện vùng sâu vùng xa biên giới khó khăn, những năm qua huyện luôn quan tâm, chỉ đạo bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nguồn lực xã hội hóa để tập trung cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, huyện quan tâm tới đời sống bà con nhân dân về quy hoạch vùng sản xuất, bố trí đất ở cho đồng bào; chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con tiếp cận áp dụng vào sản xuất. Huyện còn tập trung huy động đội ngũ cán bộ xuống cầm tay chỉ việc hướng dẫn cho bà con biết canh tác và phát triển kinh tế hộ gia đình nhằm ổn định đời sống cho nhân dân.
Thời gian tới, song song với việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Mường Tè tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường, điện, trường, trạm để bà con nhân dân ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, huyện tập trung khảo sát, xây dựng đề án những cây con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương; tập trung chỉ đạo bà con nhân dân phát triển kinh tế gắn với đảm bảo ổn định cuộc sống.
“Tuy nhiên, do điểm xuất phát của bà con là trình độ dân trí thấp nên việc tiếp cận, chuyển giao khoa học kỹ thuật còn khó khăn, cùng với nguồn lực bố trí chưa đáp ứng được. Thời gian tới, huyện Mường Tè đề xuất kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục rà soát và có những cơ chế, chính sách đặc thù đối với vùng sâu, vùng xa vùng nhiều đồng bào dân tộc như huyện Mường Tè để tập trung các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh. Từ đó rút ngắn được khoảng cách giữa miền xuôi, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Mường Tè”, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết thêm.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã nhận được nhiều nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương như: Chương trình 30a, chương trình 135, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới… Những chương trình này tạo sinh kế giúp người dân Lai Châu vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo ở Lai Châu giảm 3,1%, riêng các huyện nghèo giảm 4,6%.
Giai đoạn 2021-2025 Lai Châu phấn đấu giảm bình quân hộ nghèo 3%/năm, huyện nghèo giảm 4%/năm. Theo đó, Lai Châu tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; cụ thể hóa hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách về giảm nghèo. Mặt khác, tỉnh tập trung hỗ trợ cho những huyện nghèo, xã và thôn bản đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa các vùng, các dân tộc trong tỉnh; tăng cường hỗ trợ sinh kế theo hướng giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường hỗ trợ có điều kiện cho người dân, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Việt Hoàng - Đinh Thùy