Với chủ trương thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống điện - đường - trường - trạm, cũng như triển khai, thực hiện các chương trình và đề án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Phóng viên TTXVN giới thiệu bài cuối trong loạt 4 bài viết với chủ đề "Đòn bẩy giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo"để ghi nhận những kết quả trong công tác giảm nghèo.
Bài 4 (Bài cuối): Tăng đầu tư cho cộng đồng
Nhờ vào chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên đã vươn lên thoát nghèo, song cũng không ít người dân vẫn trông chờ, ỷ lại. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức của chính những người được thụ hưởng là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, giúp họ bớt tự ti, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Cho cần để câu cá
Tại Báo cáo Tổng kết Đề án 09-ĐA/TU ngày 27/11/2015 về Giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh nhấn mạnh, tỉnh Lào Cai đã hoàn thành mục tiêu xóa bỏ tình trạng thiếu đói thường xuyên. Việc xóa đói, giảm nghèo đã bước sang giai đoạn mới. Chính sách giảm nghèo hướng đến nâng cao chất lượng giảm nghèo bền vững và chuyển sang mục tiêu giảm cho không, hướng tới cho vay có điều kiện để thay đổi nhận thức của người nghèo tự vươn lên vượt khó, tránh sự trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Si Ma Cai là huyện biên giới với đặc thù đá nhiều hơn đất, khô hạn và thiếu nước. Thực hiện Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy Lào Cai về Giảm nghèo huyện Si Ma Cai bền vững đến năm 2020, từ năm 2015, huyện Si Ma Cai đã triển khai đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc để đưa vào thực hiện thí điểm tại 2 xã là Sín Chéng và Bản Mế, với 477 con trâu và 55 con bò, tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng.
Năm 2015, 93 hộ dân trong xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai tham gia thực hiện dự án ngân hàng bò với 191 con bò sinh sản. Hiện nay, số bò này đã phát triển thêm được 106 con. Gia đình anh Lùng Lìn Phòng ở thôn Bản Mế, xã Bản Mế, huyện Si Ma (tỉnh Lào Cai) trước vốn là một trong những hộ nghèo tại địa phương. Với một cặp bò giống ban đầu được cấp theo Nghị quyết 22, đến nay anh đã phát triển đàn gia súc theo hình thức nuôi nhốt lên 15 con bò. Tính theo giá thị trường, đàn bò bán đi cho gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mế Hảng Seo Chang, hiệu quả chăn nuôi đại gia súc cao gấp nhiều lần trồng ngô, lúa, ít phụ thuộc thời tiết mà thu nhập ổn định. Nhờ vậy, việc xóa đói giảm nghèo ở Bản Mế được triển khai nhanh và bền vững.
"Nếu Nhà nước hỗ trợ người dân bằng tiền mặt thì họ sẽ dùng vào việc riêng mua sắm, ăn tiêu mà không đầu tư vào chăn nuôi và sản xuất. Đời sống của người dân nghèo vẫn hoàn nghèo. Việc Nhà nước hỗ trợ cây, con giống và hướng dẫn kỹ thuật sẽ tạo sinh kế ban đầu để bà con dân tộc có điều kiện phát triển kinh tế", ông Hảng Seo Chang chia sẻ.
Tỷ lệ hộ nghèo của xã Bản Mế theo kết quả nghèo đa chiều mới năm 2016 là 57,9%, đến năm 2019 còn dưới 9,7%. Thu nhập của người dân năm 2015 là 15,6 triệu đồng/người/năm, đến năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm.
Sau bài học thành công của Bản Mế, các xã còn lại của huyện biên giới, vùng cao Si Ma Cai tập trung khai thác lợi thế đất đai, đồng cỏ và kinh nghiệm bản địa để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tính đến nay, huyện Si Ma Cai đã hỗ trợ 2.321 con bò và trâu sinh sản cho 1.136 hộ nghèo và cận nghèo. Tổng đàn trâu, bò tăng, tăng trưởng bình quân qua các năm đạt từ 17,5-18%. Tính đến hết năm 2020, tổng đàn trâu đạt 15.800 con, đàn bò đạt 6.800 con, tạo nguồn thu khoảng gần 500 tỷ đồng cho khu vực nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Giàng A Tính cũng cho rằng, nên chuyển phương thức hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ có thu hồi luân chuyển; nhân rộng mô hình Quỹ phát triển cộng đồng xã thôn nhằm bảo toàn nguồn vốn, tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo, chống tư tưởng trông chờ ỷ lại, đảm bảo tính bền vững trong giảm nghèo.
Trước đây, ở Lai Châu khi mới vận động đồng bào La Hủ chuyển về sống tập trung tại các bản, nhận thấy người vùng biên chưa quen với cách chăn nuôi khoa học nên nhiều dự án hỗ trợ của Nhà nước đưa về hiệu quả không cao, con giống kém phát triển, tỷ lệ chết nhiều. Rút kinh nghiệm từ những chương trình trước, năm 2016, Đồn Biên phòng Pa Ủ và chính quyền huyện Mường Tè (Lai Châu) triển khai mô hình nuôi bò ở hai bản Mu Chi và Tân Biên, không giao con giống cho người dân tự chăm sóc mà cử cán bộ trực tiếp xuống cùng đồng bào chăn thả.
Theo Chủ tịch UBND xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu Lý Phí Giá, nuôi bò tập trung, có Bộ đội Biên phòng hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” và quản lý, đảm bảo tỷ lệ con giống sinh trưởng, phát triển tốt. Qua đó, người dân tiếp thu kiến thức, tích lũy kinh nghiệm trong chăn nuôi. Khi chia bò về cho các hộ dân tự chăm sóc, hiệu quả tái đàn sẽ cao hơn, đời sống đồng bào cũng khấm khá hơn. Từ đàn bò ban đầu giao nhận là 40 con với 40 hộ, sau gần 4 năm, nhờ sự giúp đỡ của các chiến sĩ Biên phòng, đến nay đàn bò đã phát triển hơn 60 con. Theo kế hoạch, đến năm 2020, Đồn Biên phòng sẽ bàn giao cho các hộ tự chăm sóc.
Đồng bộ chính sách hỗ trợ
Trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, ở các tỉnh khó khăn biên giới như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai… đã ghi nhận hiệu quả của chính sách hỗ trợ, đầu tư của Trung ương giúp giảm nghèo bền vững tại địa phương. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương nên chưa được kịp thời, còn nhiều hạn chế, dẫn đến hiệu quả của chương trình giảm nghèo còn thiếu tính bền vững.
Cụ thể tại tỉnh Hà Giang, mặc dù thu nhập của hộ nghèo ở các huyện nghèo tỉnh Hà Giang đã có sự thay đổi đáng kể, tuy nhiên do nguyên nhân chủ quan và khách quan, hộ nghèo chủ yếu vẫn thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: chất lượng nhà ở, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Là một tỉnh nghèo, việc bố trí ngân sách địa phương cũng như huy động sự đóng góp tại cộng đồng và chính bản thân hộ nghèo để hộ nghèo được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ này là rất khó khăn. Để thực hiện giảm nghèo bền vững đòi hỏi Trung ương phải tăng nguồn lực hỗ trợ để người nghèo được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản nêu trên.
Mục tiêu và cơ chế chính sách đối với 62 huyện nghèo của Nghị quyết 30a rất rõ ràng và thiết thực, song vì là huyện nghèo nhất, tất cả các hạng mục chính sách hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng hầu như là xây dựng mới hoàn toàn. Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết, nhu cầu vốn đầu tư hỗ trợ đòi hỏi phải được huy động khá lớn, nhưng quá trình phân bổ vốn hàng năm Trung ương bố trí không đáp ứng nhu cầu của đề án đã được tỉnh phê duyệt, còn chênh lệch quá lớn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho rằng, Trung ương cần nghiên cứu và đẩy nhanh việc tích hợp chính sách, khắc phục triệt để việc chồng chéo và phân tán nguồn lực, thống nhất đầu mối quản lý; phân bổ và bố trí nguồn lực kịp thời, đầy đủ, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính trong việc trình, phê duyệt, thanh quyết toán các nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương cơ sở thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Trung ương cần có giải pháp đột phá về huy động nguồn lực đầu tư và định mức hỗ trợ cho các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn tiếp theo. Nghiên cứu cơ chế, chính sách tăng đầu tư cho cộng đồng tại các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện sinh hoạt, thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung....
Việt Hoàng - Lục Thu - Minh Tâm - Quyết Chiến - Đinh Thùy