Đòn bẩy giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo (Bài 3)

Người dân xã Thanh Vân (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) thu hoạch lúa mùa, bảo đảm lương thực, phục vụ đời sống ấm no.Ảnh: Minh Tâm - TTXVN
Người dân xã Thanh Vân (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) thu hoạch lúa mùa, bảo đảm lương thực, phục vụ đời sống ấm no.Ảnh: Minh Tâm - TTXVN

Với chủ trương thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống điện - đường - trường - trạm, cũng như triển khai, thực hiện các chương trình và đề án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Để ghi nhận những kết quả trong công tác giảm nghèo, phóng viên TTXVN thực hiện loạt 4 bài viết với chủ đề "Đòn bẩy giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo".

Bài 3: Huy động nguồn lực phát triển vùng biên

Nhà nước và chính quyền địa phương đã huy động tất cả nguồn lực, lồng ghép các Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới và nhiều đề án để từng bước thay đổi diện mạo vùng biên. Qua đó, giảm hủ tục lạc hậu, bảo đảm an sinh xã hội cũng như nâng cao dân trí đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Xây dựng cơ sở hạ tầng

Lai Châu là tỉnh khó khăn vùng cao biên giới, địa bàn chia cắt, 85% đồng bào dân tộc thiểu số, với tỷ lệ hộ nghèo cao. Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu, tỉnh Lai Châu đã đa dạng hóa nguồn vốn bằng việc huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Trong đó, sự hỗ trợ vốn từ ngân sách Nhà nước đã tạo đà, tạo niềm tin cho nhân dân, tạo cơ sở để thu hút nguồn lực triển khai, lồng ghép các chương trình mục tiêu trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh huy động vốn của các doanh nghiệp thông qua các hình thức thu hút đầu tư, liên doanh, liên kết và nhất là tăng vốn tín dụng cho các hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã vay để phát triển sản xuất.

Đòn bẩy giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo (Bài 3) ảnh 1Bà con dân tộc Mảng ở xã Nậm Pan, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) chăn nuôi trâu và phát triển thành đàn, thu nhập làm kinh tế ổn định, dần thoát nghèo. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh Lai Châu đã giảm 15.920 hộ nghèo, tương đương 20,28%, trung bình giảm 5,07%/năm. Ước tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh còn 17.055 hộ nghèo, chiếm 16,62%. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đạt 640.000 đồng/người/tháng, gấp 1,6 lần so với năm 2015.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Giàng A Tính khẳng định, các chính sách đầu tư cho giảm nghèo đã đến với đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả tích cực. Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn từng bước được đầu tư hoàn thiện, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, giải quyết cơ bản nhu cầu của người dân về điện - đường - trường - trạm, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo trên địa bàn. Từ đây, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tại xã đặc biệt khó khăn Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, Nhà nước đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã dần cải thiện. Cuối nhiệm kỳ 2010 - 2015, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 3,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo 80%, đến nay đã tăng 14,5 triệu đồng/người/năm, giảm nghèo xuống 65,67%.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu Vũ Văn Hoàn cho biết, những năm gần đây, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, tại xã Nậm Ban, điện đã được mắc đến bản, đường giao thông được bê tông hóa, trường học từng bước kiên cố, có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, bà con được quan tâm chăm sóc sức khỏe…

Tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, tệ nạn xã hội bị đẩy lùi. Trong phát triển kinh tế, người dân đã biết khai hoang diện tích ruộng, nương, đưa giống cây trồng hiệu quả kinh tế và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Vào xã Nậm Ban giờ đây thuận lợi, xe ô tô đi tận trung tâm xã, không còn phải đi bằng xe máy cheo leo, vất vả men theo đường dân sinh như 10 năm về trước chúng tôi đã từng đi. Dẫn chúng tôi đi thăm bản người Mảng ở trung tâm xã, Đại úy Bùi Văn Hoàn - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban là cán bộ biên phòng tăng cường phấn khởi chia sẻ, người dân ở đây, trong đó có dân tộc Mảng đã “sáng” dần lên rồi. Người dân đã ổn canh, ổn cư, ý thức vươn lên làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo và loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban Bùi Văn Hoàn chỉ tay lên từng khoảnh rừng xanh tốt và nói đó là diện tích cây thảo quả, cây sa nhân tím, cây sơn tra cho giá trị kinh tế cao của người dân. Thời gian tới, xã Nậm Ban sẽ xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc tập trung để bà con người Mảng học và làm theo.

Cầm tay chỉ việc

Huyện biên giới Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có điểm xuất phát kinh tế thấp, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất và điều kiện sản xuất còn khó khăn, diện tích đá nhiều, diện tích đất ít, thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất. Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chính quyền huyện Mèo Vạc có nhiều giải pháp và cách làm hay vận dụng hiệu quả, phù hợp cho từng địa bàn, từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đến hình thành các dự án và phát triển gia trại. Đặc biệt, cán bộ cơ sở đã gần gũi tuyên truyền vận động, sắn tay trực tiếp hướng dẫn cho bà con dân tộc kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, vệ sinh môi trường…

Đòn bẩy giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo (Bài 3) ảnh 2Người dân xã Thanh Vân (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) thu hoạch lúa mùa, bảo đảm lương thực, phục vụ đời sống ấm no. Ảnh: Minh Tâm - TTXVN

Điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là mô hình chăn nuôi bò tại xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Bí thư Đảng ủy xã Xín Cái Phan Văn Hào cho biết, 20 năm trước khi mới đầu thực hiện dự án nuôi bò, các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số còn lạ lẫm nên cán bộ chuyên môn về bản ăn, ở với dân để hướng dẫn người nuôi bò cách làm chuồng trại vệ sinh, thoáng mát và kỹ thuật nuôi sao cho hiệu quả kinh tế.

Ông Giàng Sìn Pó, 60 tuổi, dân tộc H'Mông ở thôn Tìa Chớ, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc cho biết, trước đây cán bộ về tuyên truyền với người dân Nhà nước sẽ hỗ trợ giống bò để bà con nuôi. Nhiều hộ dân bỡ ngỡ không biết nhận về sẽ chăn nuôi thế nào, liệu có hiệu quả kinh tế không.

Chính quyền địa phương đã chọn nhà đảng viên, cán bộ thôn bản, người có uy tín đi đầu nhận làm trước, để bà con thấy hiệu quả thì làm theo. Được cán bộ chuyên môn về hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”, bà con dân bản nghe, làm theo… Nhờ mô hình nuôi bò hiệu quả, gia đình ông Giàng Sìn Pó giờ đây đã mua được xe ô tô tải và vừa xây được 2 ngôi nhà trị giá gần 2 tỷ đồng.

Đòn bẩy giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo (Bài 3) ảnh 3Hộ ông Giàng Sìn Pó ở thôn Tìa Chớ, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) từ hộ nghèo giờ đây đã trở thành hộ khá giả. Ảnh: Quyết Chiến - TTXVN

Hiện nay, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đang phát triển nhiều mô hình chăn nuôi nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, những mô hình bước đầu mang lại hiểu quả kinh tế, được người dân hưởng ứng. Điển hình như mô hình nuôi bò vỗ béo, nuôi bò sinh sản hay nuôi lợn bản địa..., mỗi năm thu lại từ 200 - 300 triệu đồng.

Xã Xín Cái cũng chú trọng đến công tác giải quyết việc làm cho lao động, ký kết cung cấp lao động cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, coi đây là một trong những giải pháp xóa đói giảm nghèo cho người dân. Nhờ đó, tỉ lệ giảm nghèo bình quân trong 5 năm qua của xã Xín Cái đạt đạt 5,89%/năm. (Còn tiếp)

 Việt Hoàng - Lục Thu - Minh Tâm - Quyết Chiến - Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm