Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi vịt cổ xanh của ông Cà Văn Năm

Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi vịt cổ xanh của ông Cà Văn Năm

Với mô hình nuôi vịt cổ xanh, trâu nhốt chuồng, dúi, ông Cà Văn Năm (dân tộc Thái), ở bản Pàn, xã Mường Chùm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, qua đó từng bước ổn định đời sống gia đình, vươn lên làm giàu.

Qua tìm hiểu trên sách, báo cùng với việc được các cấp Hội Nông dân tỉnh Sơn La đưa đi tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi, ông Năm đã mạnh dạn đầu tư nuôi vịt cổ xanh, trâu nhốt chuồng. Gần đây, ông mua 20 cặp dúi về nuôi.

Ông Cà Văn Năm chia sẻ, trước đây, gia đình ông trồng ngô là chủ yếu. Trồng được một thời gian, cây ngô mất giá, chi phí đầu tư càng ngày càng lớn. Vì vậy, gia đình ông chuyển sang tìm cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao hơn. Sau khi tìm hiểu kỹ, đầu năm 2019, ông bắt đầu nuôi vịt cổ xanh. Giống vịt này tuy thời gian nuôi lâu nhưng chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Để giống đảm bảo chất lượng, ông Năm tìm đến những trại giống uy tín ở xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn. Ngoài ra, vịt giống 3 ngày tuổi mua ở đây đã được tiêm vaccine phòng bệnh nên tỷ lệ sống cao".

Cũng theo ông Năm, để đàn vịt phát triển tốt, sau 15 ngày mua giống phải tiêm vaccine phòng dịch tả. Nếu chăm sóc tốt, sau 4 tháng nuôi, vịt đạt trọng lượng trung bình từ 1,9 - 2,2kg/con. Lúc này, xuất bán ra thị trường sẽ được giá cao hơn. Đầu ra chủ yếu là các nhà hàng ở huyện Mai Sơn và thành phố Sơn La. Bình quân 4 tháng, ông xuất bán ra thị trường khoảng 600kg với giá bán 100 nghìn đồng/kg, thu được 60 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 21 triệu đồng. So với các loài vật nuôi khác, vịt cổ xanh là một trong những vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi.

Trong quá trình nuôi, một tuần ông phun khử trùng, rắc vôi một lần xung quanh chuồng nên chuồng vịt lúc nào cũng sạch sẽ. Để vịt cho chất lượng thịt thơm ngon, 2 tháng đầu, ông Năm cho vịt con ăn cám cò, 2 tháng còn lại, cho vịt ăn cám gạo, cám ngô trộn với rau. Đặc biệt, ông Năm còn nuôi giun quế để cung cấp thêm dinh dưỡng cho vịt ăn 1 lần/tuần. Với cách làm này, không những vịt tăng sức đề kháng mà còn đảm bảo chất lượng thịt ngon hơn.

Hiện nay, ông Năm đang nuôi 1.300 con vịt thịt. Để tháng nào cũng có vịt xuất bán ra thị trường, ông chia chuồng ra làm nhiều ngăn, nuôi vịt ở các lứa tuổi khác nhau. Trước đây, mỗi ngày đàn vịt ăn hết 1,4 triệu đồng tiền thức ăn. Sau hơn 1 năm nuôi và có kinh nghiệm, ông dùng thêm những thức ăn có sẵn ở địa phương như rau, ngô, sắn, chi phí giảm đi nhiều. Mặt khác, đây là giống vịt có sức đề kháng cao nên chi phí thuốc thú y hết ít. Nếu nuôi vịt cổ xanh với quy mô lớn, hoàn toàn có thể làm giàu được.

Ngoài nuôi vịt cổ xanh, ông Năm còn nuôi 6 con trâu nhốt chuồng và 20 cặp dúi để nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, ông Năm còn trồng 300 cây xoài ghép, 400 gốc chuối tây. Dự kiến, sau 2 năm nữa, từ chăn nuôi và trồng cây ăn quả, mỗi năm ông thu lãi vài trăm triệu là chuyện bình thường.

Ông Lèo Văn Phúc, quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Chùm, huyện Mường La chia sẻ: Trước đây, do trồng ngô, gia đình ông Năm có cuộc sống khó khăn. Mấy năm trở lại đây, bằng ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, bước đầu, ông Năm đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế tổng hợp cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Mô hình của gia đình ông Năm đã mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định. Bởi vậy, nhiều người dân trong và ngoài xã đến tham quan, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm để áp dụng cho gia đình mình. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, ít vốn, thiếu kinh nghiệm..., việc mở rộng thêm nhiều mô hình vẫn chưa được triển khai rộng rãi. Hiện nay, địa bàn xã mới triển khai được hàng chục mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng, trồng cây ăn quả. Với mô hình nuôi vịt cổ xanh như gia đình ông Năm, xã đang lên phương án triển khai để có thể nhân rộng mô hình cho vài chục hộ.

Ông Lèo Văn Phúc cho biết thêm: Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới, Đảng bộ, Chính quyền xã sẽ tiếp tục triển khai các phương án hỗ trợ, giúp nhân dân có thể tiếp cận nguồn vốn, con giống, thức ăn…để bà con có điều kiện mở thêm nhiều mô hình trong xã, yên tâm phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, xã sẽ tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Đồng thời, xã nghiên cứu các hình thức quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm; tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân trên địa bàn xã học tập, áp dụng.

Qua mô hình của ông Cà Văn Năm cho thấy, vịt cổ xanh có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương, ít công chăm sóc, lợi nhuận thu về tương đối cao. Hiện nay, tỉnh Sơn La chưa có nhiều cơ sở chăn nuôi vịt cổ xanh, hơn nữa, nhu cầu của thị trường ngày càng cao, bởi vậy việc chăn nuôi vịt cổ xanh là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã Mường Chùm phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.

Quang Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm