Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, rau là cây trồng chủ lực ở các xã vùng thượng của huyện. Nhiều vùng chuyên canh được hình thành, nhưng tổ chức sản xuất còn manh mún, quy mô nhỏ, lẻ, phân tán. Việc tham gia của doanh nghiệp, trang trại quy mô vừa và lớn còn hạn chế.
Nông dân trồng rau ứng dụng công nghệ cao ở Đức Hòa (Long An). Ảnh: Báo Long An online |
Chính vì vậy, việc quy hoạch sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao là vô cùng cần thiết. Huyện đang vận động người dân xây dựng nhà màng, nhà lưới, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn nông dân trồng theo phương pháp thủy canh và sử dụng phân hữu cơ,... Đến nay, huyện xây dựng được 20 nhà lưới trồng rau ăn lá, rau gia vị ở các xã vùng thượng, nhiều nhất là ở xã Phước Hậu. Ngoài ra, huyện Cân Giuộc chủ trương củng cố lại các hợp tác xã, phát huy tối đa tổ liên kết các hộ nông dân, cùng sản xuất những sản phẩm có chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm. Trước mắt, huyện sẽ xây dựng nghị quyết chuyên đề về rau an toàn theo chỉ tiêu tỉnh giao để quán triệt trong toàn Đảng bộ, nhân dân cùng thực hiện; tập trung phát động sản xuất an toàn, sản phẩm có thương hiệu để cung cấp theo hợp đồng. Song song đó, huyện đầu tư nạo vét hệ thống kênh, mương nội đồng để trữ nước ngọt trong mùa mưa, phục vụ sản xuất. Hiện, toàn tỉnh Long An đã xây dựng 14 mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao vối tổng diện tích hơn 630ha. Nông dân được hướng dẫn sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới kết hợp tưới tiết kiệm. Hầu hết diện tích này được nông dân sử dụng giống sạch bệnh, phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, ủ phân hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp; thực hiện xây dựng hố thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng trồng rau an toàn. Theo Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2020 có 2.000ha rau màu, tập trung tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và thành phố Tân An. Riêng huyện Cần Giuộc hiện có trên 1.800ha chuyên canh rau, chủ yếu rau ăn lá (65%), rau gia vị (25%), rau ăn quả (10%), năng suất đạt từ 20-22 tấn/ha/vụ, sản lượng ước đạt 125.000 tấn/năm; 22 tổ sản xuất rau an toàn và 6 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã với 739 nông dân tham gia. Đến nay, huyện Cần Giuộc có 341ha sản xuất rau an toàn, 3 hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Theo Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, toàn huyện Cần Giuộc có 950ha rau an toàn./.
Thanh Bình
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN