Giới thiệu hơn 100 sản phẩm nông nghiệp tại "thủ phủ" trái cây Bình Định

Ngày 17/5, UBND huyện Hoài Ân (Bình Định) tổ chức Ngày hội nông sản Hoài Ân lần thứ 2 nhằm giới thiệu, quảng bá đầy đủ, toàn diện về tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp của địa phương, tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nông nghiệp gắn với phát triển du lịch góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho người dân.

vna_potal_ngay_hoi_nong_san_huyen_hoai_an_binh_dinh_lan_thu_2_7382137.jpg
Khách tham quan gian trưng bày nông sản tại Ngày hội. Ảnh: Lê Phước Ngọc - TTXVN

Phát biểu tại Ngày hội, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc nhấn mạnh, ngày hội cũng là cơ hội tốt để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm và xúc tiến hoạt động thương mại; đồng thời, tăng cường kết nối chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học).

Cùng với đó, tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân; tạo điều kiện để bà con giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong canh tác, sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ những mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương trên cơ sở đảm bảo chất lượng và an toàn, mang tính nâng cao giá trị…

Ngày hội có quy mô lớn với 18 gian hàng tham gia, 105 loại sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh được trưng bày; thu hút đông đảo người dân tới tham quan, mua sắm.

Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra một số hoạt động hưởng ứng như: Hội thi sản xuất bưởi da xanh và một số cây ăn quả theo hướng sản xuất an toàn, đạt chất lượng tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, hữu cơ; tham quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu; công bố Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; công bố Quyết định công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Hoài Ân và cấp giấy chứng nhận OCOP đạt hạng sao cho các chủ thể; tôn vinh các tập thể, cá nhân, hộ nông dân có mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu…

Những năm qua, huyện Hoài Ân đã thực hiện đồng bộ các giải pháp từ công tác quy hoạch, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, liên kết sản xuất - tiêu thụ, quảng bá sản phẩm… với mong muốn nâng cao giá trị nông sản của địa phương, hỗ trợ nông dân kết nối, tạo đầu ra ổn định cho nông sản; chú trọng áp dụng khoa học, kỹ thuật, quy trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu các cơ quan quản lý, đặc biệt là nhu cầu của khách hàng. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất cây ăn quả, chăn nuôi hiệu quả được triển khai rộng rãi.

Diện tích trồng cây ăn quả ngày càng tăng mạnh với hơn 3.900 ha, chủ yếu tập trung tại các xã Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Hữu, Ân Hảo Tây... Nhiều mặt hàng nông sản của địa phương như: lợn Hoài Ân, gà ta thả vườn, bưởi da xanh, trà nụ hoa hòe, mật ong Dú, trứng chim trĩ, thịt heo thảo mộc, gạo hữu cơ… được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, hiện diện tại hệ thống siêu thị của nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Không những chiếm vị thế ở thị trường trong nước, một số loại nông sản còn được xuất khẩu sang nước ngoài (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc) bằng đường chính ngạch. Đây được xem là bước ngoặt đánh dấu việc hình thành nền nông nghiệp hàng hóa; tạo động lực to lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Thống kê, đến nay, toàn huyện có 8 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu; 60 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP và trên 100ha đất sản xuất nông nghiệp được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP.

Lê Phước Ngọc

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm