Các nhà khoa học Israel và Áo đã phát triển thành công phương pháp mới để "bẫy" hoàn toàn một chùm ánh sáng.
Theo kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science ngày 29/8, các nhà khoa học thuộc Đại học Hebrew và Đại học Công nghệ Vienna đã phát minh ra một loại bẫy ánh sáng mới, cho phép hấp thụ ánh sáng hiệu quả.
Đại học Hebrew cho biết cách tiếp cận mới này có thể được sử dụng trong một loạt các ứng dụng, như ghi lại hoàn hảo các tín hiệu ánh sáng bị tán xạ trong quá trình truyền qua bầu khí quyển của Trái Đất. Ngoài ra, bẫy này cũng có thể được sử dụng trong thực tế để khuếch đại sóng ánh sáng từ các nguồn ánh sáng yếu, chẳng hạn như tối ưu hóa ánh sáng từ các ngôi sao ở xa đi vào một máy dò.
Nghiên cứu đã giải quyết vấn đề khó thoát ánh sáng trong các vật liệu có lớp mỏng, được sử dụng trong nhiều ứng dụng kỹ thuật. Kết cấu "bẫy ánh sáng" bao gồm một gương trong suốt, một chất hấp thụ mỏng, yếu, hai thấu kính hội tụ và một gương phản xạ toàn phần. Thông thường, hầu hết chùm ánh sáng tới sẽ bị phản xạ. Tuy nhiên, do các hiệu ứng giao thoa được tính toán chính xác, chùm ánh sáng tới cản trở chùm ánh sáng phản xạ trở lại giữa các gương, do đó chùm ánh sáng phản xạ cuối cùng bị dập tắt hoàn toàn. Năng lượng của ánh sáng bị hút hoàn toàn bởi chất hấp thụ mỏng và yếu.
Nghiên cứu kết luận ngay cả sự hỗn loạn không khí và dao động nhiệt cũng không thể gây hại cho cơ chế này, qua đó chứng tỏ rằng đây là phương pháp mạnh mẽ, hứa hẹn có thể áp dụng trong nhiều công nghệ khác nhau.
Xuân Giao